Giá heo hơi tại miền Bắc
Cụ thể, toàn miền có duy nhất tỉnh Bắc Giang giá heo hơi báo giảm 1.000 đồng/kg xuống mức 56.000 đồng/kg. Các địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định giá heo hơi đi ngang, hiện ở mức 57.000 đồng/kg. Tại tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nam, Thái Bình giá heo hơi được thu mua với mức 56.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Phú Thọ giá heo hơi đang ở mức thấp nhất toàn miền 55.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc đang dao động trong khoảng từ 55.000 - 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Trung - Tây Nguyên
Cụ thể, tại tỉnh Thanh Hóa giá heo hơi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, hiện ở mức 56.000 đồng/kg. Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại tỉnh Nghệ An, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bình Thuận giá heo hơi ở mức 57.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Định giá heo hơi được thu mua với mức 56.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Trung - Tây Nguyên đang dao động trong khoảng từ 56.000 - 57.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại miền Nam
Cụ thể, tại tỉnh Tiền Giang giá heo hơi bất ngờ tăng 2.000 đồng/kg lên mức 57.000 đồng/kg. Ngược lại, giá heo hơi tại tỉnh Bến Tre lại giảm 1.000 đồng/kg xuống 55.000 đồng/kg.
Các địa phương còn lại không thay đổi. Tại TP Hồ Chí Minh, Long An giá heo hơi ở mức 57.000 đồng/kg. Tại tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu giá heo hơi ở mức 55.000 - 56.000 đồng/kg. Còn tại tỉnh Hậu Giang giá heo hơi ở mức thấp nhất cả nước 54.000 đồng/kg. Như vậy, giá heo hơi hôm nay tại miền Nam dao động trong khoảng từ 54.000 - 57.000 đồng/kg.
Giá thịt phục hồi vào quý II/2022?
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu các loại về Việt Nam trong năm 2021 đạt trên 4,93 tỷ USD, tăng 28,4% so với năm 2020. Như vậy, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong năm qua cao hơn năm 2020 tới hơn 1 tỷ USD (năm 2020 đạt 3,841 tỷ USD) và là mức cao nhất trong lịch sử nhập khẩu nhóm hàng này. Các thị trường chủ yếu cung cấp thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu cho Việt Nam là Argentina, Mỹ, Brazil và EU. Trong đó, nhập khẩu nhiều nhất từ Argentina, đạt 1,66 tỷ USD, chiếm 33,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của cả nước, tăng 7,8% so với năm 2020.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), việc tăng giá thức ăn chăn nuôi thời gian qua là do nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới giảm, nguồn cung trong nước hạn chế, chi phí vận chuyển tăng cộng thêm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sản lượng một số loại ngũ cốc chính của một số quốc gia sụt giảm. Biến đổi khí hậu đã làm một số nước là đối tác cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính cho Việt Nam như Mỹ, Argentina, Brazil,… bị khô hạn nên diện tích ngô, lúa mì, đậu tương phải thu hẹp làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và giá. Do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm cũng tăng.
Trong khi đó, kết quả khảo sát của Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam đối với chuyên gia và doanh nghiệp ngành thức ăn chăn nuôi về nhu cầu của một số sản phẩm thức ăn chăn nuôi trong năm 2022 cho thấy có xu hướng tăng lên do nhu cầu đối với thủy sản, heo và gia cầm, trong đó thủy sản là phân khúc được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất.
Còn theo dự báo của Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam sẽ là khoảng 28-30 triệu tấn/năm trong 5 năm tới, trị giá 12-13 tỷ USD với mức tăng trưởng trung bình 11-12%/năm; trong đó quá nửa sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (14,5-15 triệu tấn) sẽ dành cho ngành gia cầm.
Trước bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng và ảnh hưởng trực tiếp đến người chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho rằng, giải pháp trước mắt, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước để có thể thay thế 1 phần nguồn nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần thực hiện quản trị tốt nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm thức ăn chăn nuôi…
Về các giải pháp lâu dài, cần chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu để đa dạng hóa nguồn cung, giảm bớt sự phụ thuộc vào một hoặc một số thị trường nhất định; tiến hành đàm phán với các nước xuất khẩu lớn sang Việt Nam để có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên nguồn cung cho Việt Nam; nâng cao năng lực hệ thống logistics trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa nói chung trong đó có thức ăn chăn nuôi… Đặc biệt, cần nâng cao năng lực sản xuất nguyên liệu trong nước. Chính phủ cần tổ chức quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi một cách bài bản, đồng bộ.
Trong bối cảnh giá cả hàng hóa đều tăng phi mã, việc giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi là khó khăn chung của doanh nghiệp sản xuất thức ăn và người chăn nuôi. Các chuyên gia cho rằng, việc cân đối làm sao hài hòa lợi ích giữa các bên là việc cần phải làm. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cần chia sẻ với doanh nghiệp, hộ chăn nuôi, không tăng giá sốc. Bởi lẽ nếu giá cám quá cao, người chăn nuôi không mặn mà tái đàn, tăng đàn thì doanh thu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, ngoài ra có thể mất khách hàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, cũng kỳ vọng tổng cầu thực phẩm trong thời gian tới tăng lên, đặc biệt, trong quý II và quý III tới đây khi du lịch, các trường học, bếp ăn tập thể... quay trở lại hoạt động bình thường... sẽ đẩy giá thực phẩm chăn nuôi trong đó có thịt, trứng, gia cầm tăng lên, giảm khó khăn cho người chăn nuôi.

Nguồn: tieudung.vn