Giá lợn giảm, thị trường lặng gió
Giá lợn hơi hôm nay 16/02/2023, các tỉnh tiếp tục giảm giá. Thị trường lợn hơi từ trước Tết đến nay vẫn khá yên tĩnh, chưa có sự thay đổi lớn nào, mức giá dao động thấp trong khoảng 49.000-53.000 đồng/kg. Mức giá lợn Trung Quốc sau nhiều ngày tăng liên tục, hôm nay cũng sụt giảm nhẹ 1 giá so với ngày trước.
Ngày 16/2, Công ty CP Việt Nam bán lợn hơi với giá từ 57.000 - 59.000 đồng/kg, tùy khu vực. Giá lợn hơi tại thị trường Trung Quốc giảm hôm nay, hiện ở mức 51.100 đồng/kg nhưng mức giá này đã cao hơn ngày 13/2 khi giá lợn Trung Quốc chỉ đứng ở mức 48.900 đồng/kg.
Mức tiêu thụ thịt lợn của Trung Quốc vẫn giảm và quá trình trở lại trạng thái bình thường có thể mất tới 6 tháng.
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc - loại thịt phổ biến nhất - đã giảm một nửa trong 18 tháng qua do sản xuất trong nước tăng, giá thấp và nhu cầu yếu.
Sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất thế giới, năm ngoái đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014, do giá tăng trong mùa hè đã khuyến khích nông dân vỗ béo lợn nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, trong tháng 1/2023, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc kêu gọi nông dân giảm sản lượng thịt lợn dư thừa.
Nhu cầu của Trung Quốc chậm lại đã tác động dây chuyền đến thị trường châu Âu. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở một số nước châu Âu, trong đó có Đức, đã thúc đẩy các nhà chăn nuôi ở Tây Ban Nha đẩy mạnh sản lượng nhằm xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tất cả số thịt đó hiện đang tràn ngập thị trường châu Âu, nơi người tiêu dùng hiện đang đối phó với lạm phát và lo lắng về tương lai.

Giá lợn hơi tiếp tục giảm, thị trường khó khăn chí ít là đến hết quý I - Ảnh 1.

Trước đó, tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg và dao động trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Yên Bái và Lào Cai đang được thu mua với giá thấp nhất là 50.000 đồng/kg. Tương tự, sau khi giảm 2.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại tỉnh Ninh Bình cũng về mức 50.000 đồng/kg. Cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Nam Định thu mua ở mức 51.000 đồng/kg, còn tại Phú Thọ và Tuyên Quang cùng đứng ở mức 52.000 đồng/kg.
Tương tự khu vực miền Bắc, tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng giảm 1.000 - 2.000 đồng/kg và thu mua trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Quảng Bình và Khánh Hòa được điều chỉnh xuống mức 51.000 đồng/kg. Tương tự, sau khi giảm lần lượt 1.000 đồng/kg và 2.000 đồng/kg, hai tỉnh Đắk Lắk và Thanh Hóa cùng neo tại mốc 50.000 đồng/kg. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, mức giá cao nhất khu vực 52.000 đồng/kg được ghi nhận tại Lâm Đồng, mức giá thấp nhất khu vực 49.000 đồng/kg được ghi nhận tại Nghệ An.
Tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi cũng ghi nhận giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg theo xu hướng chung thị trường và dao động trong khoảng 50.000 - 53.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi cùng giảm 1.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Cần Thơ, Kiên Giang cùng đứng ở mức 52.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá lợn hơi tại TP.HCM, Bến Tre lần lượt ở mức 51.000 đồngkg và 53.000 đồng/kg sau khi cùng giảm 1.000 đồng/kg. Ghi nhận mức giảm 2.000 đồng/kg, thương lái tại Tây Ninh đang thu mua lợn hơi ở mức 50.000 đồng/kg - thấp nhất khu vực. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động về giá, trong đó, các địa phương gồm Đồng Tháp, An Giang, Cà Mau được thương lái mua lợn hơi ở mức 53.000 đồng/kg, cao nhất khu vực.
Theo dự báo, chăn nuôi lợn trong năm 2023 sẽ tiếp tục gặp khó chí ít là đến hết quý I, nhưng khả năng kéo dài đến hết quý III là rất cao. Lý giải cho điều này, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho rằng, phải đến đầu quý II, nền kinh tế mới phục hồi dần và tăng tốc trở lại từ quý III. Khi đó, hoạt động của các doanh nghiệp đi vào ổn định, việc làm và thu nhập của người lao động mới được cải thiện trở lại giúp sức tiêu thụ tăng lên.
Thứ hai là chúng ta đã có vaccine dịch tả lợn châu Phi nên rủi ro dịch bệnh trong chăn nuôi cũng giảm đi và thứ ba là giá nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi thế giới đang có xu hướng giảm nhưng do giá thức ăn trong nước có độ trễ hơn giá nguyên liệu nên phải đến đầu quý II, giá thức ăn chăn nuôi trong nước mới có khả năng giảm dần so với hiện tại.
Triển vọng thị trường thịt lợn còn khó khăn
Bất chấp những thách thức của làn sóng lây nhiễm Covid-19 hiện nay ở Trung Quốc, dự báo nhập khẩu thịt bò và thịt lợn năm 2023 của nước này vẫn được điều chỉnh tăng và hiện được dự báo cao hơn so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhập khẩu thịt gà được dự báo thấp hơn một chút.
Việc điều chỉnh tăng dự báo nhập khẩu thịt đỏ của Trung Quốc một phần xuất phát từ ước tính cho năm 2022 cao hơn do các lô hàng trong quý IV mạnh hơn dự kiến. Đối với năm 2023, sự phục hồi kinh tế dự kiến cũng như sự phục hồi dự đoán của ngành khách sạn, nhà hàng... sẽ hỗ trợ mở rộng tiêu dùng và nhập khẩu thịt đỏ.
Bất chấp việc điều chỉnh tăng sản lượng thịt lợn của Trung Quốc vào năm 2023 so với dự báo hồi tháng 10/2022, nguồn cung trong nước hầu như không thay đổi so với cùng kỳ năm 2022 và khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu phục hồi.
Trong năm 2023, nhập khẩu thịt bò Trung Quốc dự kiến sẽ tăng, nhưng tốc độ vận chuyển sẽ chậm lại do các nhà nhập khẩu có sản phẩm được bảo quản lạnh cần đưa vào thị trường trước khi họ đầu tư mua thêm.
Nhập khẩu thịt gà của Trung Quốc được điều chỉnh thấp hơn mức trước đại dịch. Giá thịt lợn giảm dự kiến sẽ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng đối với thịt gà. Tuy nhiên, thịt gà nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 4% lượng tiêu thụ.
Về thịt lợn: Sản lượng thịt lợn toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh tăng 3% so với dự báo tháng 10/2022 lên 114,1 triệu tấn do sản lượng cao hơn ở Trung Quốc. Nhu cầu thịt lợn dự kiến sẽ tăng ở Trung Quốc do các hạn chế Covid-19 được dỡ bỏ gần đây. Dự báo sản xuất hầu như không thay đổi đối với các quốc gia khác.
Xuất khẩu thịt lợn toàn cầu năm 2023 được dự báo cao hơn 2% so với dự báo tháng 10/2022 lên 10,7 triệu tấn do xuất khẩu của EU, Brazil và Mỹ tăng mạnh hơn so với nhu cầu dự đoán từ các thị trường trọng điểm ở châu Á. Việc điều chỉnh tăng nhập khẩu của Trung Quốc và Philippines sẽ bù đắp nhiều hơn cho sự sụt giảm ở Mỹ. Nhập khẩu của Philippines được dự báo cao hơn do thuế nhập khẩu thịt lợn giảm được kéo dài đến năm 2023. Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục kìm hãm sản xuất của Philippines, thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu.
Trong quý 1/2023, mức tiêu thụ thịt nhiều khả năng ở mức thấp theo thông lệ hàng năm, giá lợn dự báo vẫn ở mức thấp.
Trong tháng 01/2023, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ có xu hướng giảm mạnh so với cuối năm 2022. Ngày 30/01/2023, giá lợn nạc tại Chicago, Hoa Kỳ giao kỳ hạn gần ở mức 76,15 UScent/lb, giảm 14,2% so với cuối tháng 12/2022 và giảm 23,1% so với cùng kỳ năm 2022,chủ yếu do nhu cầu chậm lại.
Theo Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), năm 2023 xuất khẩu thịt lợn toàn cầu dự báo sẽ giảm 2% so với năm 2022, xuống còn 10,5 triệu tấn, do nhập khẩu của Trung Quốc giảm. Trong khi đó, sản xuất và xuất khẩu của Hoa Kỳ được dự báo trái chiều, với sản xuất sẽ tăng 1% vào năm 2023, lên 12,4 triệu tấn nhờ các hoạt động chăn nuôi tăng dần và trọng lượng lợn cũng nặng hơn. Tuy nhiên, xuất khẩu của Hoa Kỳ được dự báo sẽ giảm trong năm 2023 do nhu cầu của các nhà nhập khẩu chính như Mehico và Trung Quốc giảm. Xuất khẩu thịt lợn của EU cũng sẽ giảm trong năm 2023 do nhu cầu của Trung Quốc giảm khi đàn lợn nội địa của nước này phục hồi.
Theo USDA sản lượng thịt lợn của Trung Quốc năm 2023 dự kiến sẽ tăng và đạt 52 triệu tấn, thấp hơn mức trước khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, nhưng phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng và triển vọng kinh tế kém lạc quan hơn. Chi phí thức ăn cao dự kiến sẽ làm giảm trọng lượng lợn trung bình trong năm 2023.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Trung Quốc, năm 2022, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đạt 55,41 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm 2021, đây là mức cao nhất kể từ năm 2014. Tuy nhiên, giá lợn tại Trung Quốc giảm do nhu cầu ở mức thấp khi các ca nhiễm Covid-19 tăng ở Trung Quốc khiến nhiều người phải ở nhà.
Năm 2023, tiêu thụ thịt của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trở lại sau khi Trung Quốc chính thức mở cửa sau 3 năm áp dụng chính sách “Zero Covid”. Tuy nhiên, mức tiêu thụ thịt lợn có thể không phục hồi được như trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, do nhiều người vẫn thận trọng với các cuộc tụ họp đông người.
Trong khi đó, sản lượng thịt bò của Trung Quốc năm 2022 cũng tăng 3% so với năm 2021, lên 7,18 triệu tấn; trong khi sản lượng gia cầm tăng 2,6%, lên 24,43 triệu tấn và thịt cừu tăng 2%, lên 5,25 triệu tấn.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 7,4 triệu tấn thịt (bao gồm cả nội tạng), với trị giá 31,73 tỷ USD, giảm 21,1% về lượng và giảm 1,3% về trị giá so với năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Hoa Kỳ, Newzeland, Argentina và Úc. Các chủng loại thịt nhập khẩu của Trung Quốc chủ yếu là thịt trâu, bò, thịt lợn và thịt gia cầm.
Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 2,69 triệu tấn thịt trâu, bò, với trị giá 17,75 tỷ USD, tăng 15,5% về lượng và tăng 42,2% về trị giá so với năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Brazil, Argentina, Urugoay, Hoa Kỳ, Úc... Trị giá nhập khẩu thịt trâu, bò của Trung Quốc từ các thị trường này đều tăng khá so với năm 2021. Trong đó, Brazil là thị trường lớn nhất cung cấp thịt trâu, bò cho Trung Quốc trong năm 2022.
Trong khi đó, nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2022 giảm so với năm 2021. Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu 1,76 triệu tấn thịt lợn, với trị giá 3,89 tỷ USD, giảm 52,6% về lượng và giảm 61,7% về trị giá so với năm 2021, chủ yếu nhập khẩu từ Tây Ban Nha, Brazil, Đan Mạch, Hàn Lan, Hoa Kỳ, Chile... Trị giá nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc từ các thị trường này đều giảm mạnh so với năm 2021. Trong đó, Tây Ban Nha là thị trường lớn nhất cung cấp thịt lợn cho Trung Quốc trong năm 2022.
Trong tháng 01/2023, giá lợn hơi và thịt lợn trong nước không có nhiều biến động. So với cuối năm 2022, giá giảm tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, trong khi tăng tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam. Tại khu vực miền Bắc, hiện giá lợn hơi ở hầu hết các tỉnh, thành phố dao động trong khoảng 51.000- 53.000 đồng/kg, giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2022. Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên và miền Nam, hiện giá lợn hơi dao động trong khoảng 51.000-54.000 đồng/kg, tăng từ 1.000- 2.000 đồng/kg so với cuối tháng 12/2022.
Trong quý 1/2023, mức tiêu thụ thịt nhiều khả năng ở mức thấp theo thông lệ hàng năm, giá lợn dự báo vẫn ở mức thấp.
Trong năm 2023, nhu cầu tiêu thụ thịt sẽ không giảm khi thu nhập thực tế tăng nhờ kế hoạch tăng lương cơ bản của chính phủ và lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 84% trong quý II/2023 và 100% trong quý IV/2023, kéo theo sự phục hồi mạnh mẽ của dịch vụ giải trí, lưu trú và ăn uống. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn gặp một số khó khăn như: Căng thẳng kéo dài giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động vận tải trên Biển Đen có thể gây áp lực tăng giá ngũ cốc toàn cầu. Bên cạnh đó, do khoảng 80% nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi được nhập khẩu nên tỷ giá USD/VND tăng sẽ kéo theo giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào trong sản xuất thức ăn chăn nuôi tăng. Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi có thể ảnh hưởng đến nguồn cung thịt lợn vào năm 2023. Trong bối cảnh vaccine chưa cho kết quả tích cực cụ thể, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm giảm nguồn cung lợn.

Nguồn: danviet.vn