Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta hiện có gần 700.000 ha cà phê, sản lượng hơn 1,76 triệu tấn/ năm, là quốc gia xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới. Trong đó, 92% diện tích (639.000 ha) và 95% sản lượng (hơn 1,6 triệu tấn/ năm) được sản xuất tại các tỉnh Tây Nguyên.
Hiện nay, sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam bình quân đạt 1,5 - 1,8 triệu tấn năm, kim ngạch xuất khẩu luôn tăng trưởng trong những năm qua đạt trên 3 tỷ USD. Với vị trí thứ hai về giá trị xuất khẩu, Cà phê Việt Nam đã có mặt tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, tập trung chủ yếu ở những thị trường lớn như Đức, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha, Ý, Bỉ và Anh và các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Philippines, Thailand… Thị trường cà phê nội địa phát triển mạnh với sự có mặt của khoảng 300.000 quán cà phê trên cả nước, trong đó nhiều thương hiệu bán lẻ cà phê Việt được người tiêu dùng ưa thích.
Điểm yếu của cà phê Việt Nam đến nay vẫn là chất lượng, chủ yếu được sản xuất bởi các nông hộ nhỏ lẻ, thu hái chưa đảm bảo tỷ lệ chín; sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ảnh hưởng môi trường; Ngoài ra, trình độ công nghệ chế biến của ngành cà phê Việt Nam vẫn chỉ ở mức trung bình, số doanh nghiệp chế biến sâu còn ít, liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa bền vững.
Do dịch bệnh COVID-19 đang gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu cà phê, bởi thị trường chính cho xuất khẩu cà phê Việt Nam là Châu Âu (EU) hiện tại đang phải đương đầu với dịch bệnh COVID-19 nên sức mua giảm; sản xuất và tiêu thụ cà phê gặp nhiều khó khăn và thiếu bền vững, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, diện tích cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ khá cao; kỹ thuật canh tác chưa hợp lý; khâu chế biến, bảo quản thiếu đồng bộ; khâu tiêu thụ, xuất khẩu còn yếu, thiếu liên kết với thị trường tiêu thụ; người sản xuất cà phê chưa có tiếng nói trong các quan hệ liên kết ngành hàng, đặc biệt đối với doanh nghiệp đầu vào và đầu ra, nên thường chịu thiệt thòi và chưa bảo vệ được lợi ích của chính mình…
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới, tuy nhiên giá trị xuất khẩu cà phê chưa tương xứng với tiềm năng. Để nâng cao giá trị và hướng tới mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030, chúng ta cần phát triển ngành cà phê Việt Nam theo hướng chuỗi giá trị, tăng cường kết nối sản xuất với thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu, phát triển sản phẩm gắn với xây dựng thương hiệu, hướng tới xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững.
Phát biểu tại buổi hội thảo “Hội thảo thúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Tây Nguyên" vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mở ra cho chúng ta cơ hội rất lớn, thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng đề án riêng về xuất khẩu nông sản sang EU; đồng thời, có chiến lược để nông sản Việt Nam có chỗ đứng vững chãi ở hệ thống phân phối lớn châu Âu. Trong đó, cà phê Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung muốn vươn ra thị trường thế giới cần phải tư duy lại từ sản xuất, thu hoạch, chế biến cà phê phù hợp với biến đổi khí hậu, phù hợp với tiêu dùng xanh của các nước trên thế giới…
Thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng một đề án riêng về xuất khẩu nông sản sang thị trường Châu Âu, nhằm xác định chiến lược đưa cà phê và các mặt hàng nông sản Việt Nam vào các hệ thống phân phối lớn. Về phía các doanh nghiệp, sắp tới cần thành lập liên minh các nhà xuất khẩu cà phê để nắm bắt thường xuyên nhu cầu, thị hiếu và quy định pháp lý, hàng rào kỹ thuật của các thị trường.

Nguồn: Hải Sinh/Thương Trường