Đây là biện pháp bảo hộ mới nhất của Indonesia, nước xuất khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới, trong bối cảnh giá thực phẩm leo thang.
Giá hàng hoá nông sản tăng vọt sau khi xuất khẩu từ Ukraina, nhà cung cấp dầu hướng dương lớn trên thế giới bị gián đoạn. Các nhà cung cấp bắt đầu hạn chế nguồn cung. Chỉ số giá dầu thực vật của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc đã tăng 40% trong năm nay.
Thị trường dầu thực vật thắt chặt buộc các nhà bán lẻ bắt đầu phân chia khẩu phần dầu ăn. Hồi tháng trước, các siêu thị ở một số nước châu Âu đã giới hạn lượng dầu ăn mỗi khách hàng được mua về còn các nhà bán lẻ hàng đầu của Anh như Tesco và Waitrose cũng làm theo cách này trong vài ngày qua.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố lệnh cấm xuất khẩu dầu thực vật trong ngày 22/4 đã khiến giá dầu cọ giao dịch tại Malaysia phiên đầu tuần vọt lên 6.800 ringgit/tấn trước khi giảm trở lại 6.217 ringgit/tấn. Đồng rupiah đã giảm 0,7% còn 14.455 rupiah đổi 1 USD, mức giảm trong ngày mạnh nhất trong vòng hơn nửa năm.
Một nhà phân tích cho biết, mặc dù các hạn chế có thể làm giảm giá ở Indonesia, nhưng chúng sẽ đẩy giá lên đối với các nhà nhập khẩu, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc.
Trước khi Nga và Ukraina xảy ra xung đột, Indonesia đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu cọ nội địa, buộc Chính phủ nước này phải hành động trước khi người dân bước vào kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr, hay còn gọi là Lebaran.
Lệnh cấm xuất khẩu, có hiệu lực từ ngày hôm nay 28/4/2022, là động thái bảo hộ mới nhất của chính phủ Jokowi. Trước đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất dầu ăn phải ưu tiên đáp ứng thị trường trong nước, và thuế xuất khẩu cũng được nâng lên.
Theo các nhà phân tích, lệnh đình chỉ sẽ sớm được dỡ bỏ sau khi lễ hội Lebaran qua đi, vì nhu cầu tiêu dùng được thiết lập để bình thường hóa sau đó.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters, Financial Times