Theo trang Seafood Source, có nhiều dấu hiệu cho thấy một số công ty thuỷ sản Châu Âu đang quay lưng với thị trường Trung Quốc do những khó khăn liên quan đến chính sách kiểm tra an toàn thực phẩm ngặt nghèo, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến virus Sars - CoV- 2 có trên bao bì thực phẩm đông lạnh.
Một số công ty khác lựa chọn tập trung ở thị trường trong nước vì giá nội địa thậm chí còn cao hơn so với xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Boris Mirtchev, Giám đốc kinh doanh của Ocean Fresh Seafood, Nova Scotia, Canada, cho biết nhu cầu của Trung Quốc đối với tôm hùm của công ty vẫn mạnh, nhưng xuất khẩu của họ sang Trung Quốc sẽ giảm đáng kể trong năm nay do các vấn đề về thông quan các cảng của nước này.
Mirtchev cho biết tôm hùm của Ocean Fresh Seafood chủ yếu sẽ được hướng đến những người mua ở Liên minh Châu Âu, Mỹ và Canada. Ông nói, giá nội địa ở Bắc Mỹ hiện tốt hơn ở Trung Quốc. Và với hơn 40 thành phố của Trung Quốc hiện đang phải phong toả để chống dịch COVID-19, ông Mirtchev cho rằng tiềm ẩn quá nhiều bất ổn và rủi ro.
“Chúng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ chỉ chiếm 20% xuất khẩu của Ocean Fresh Seafood trong năm nay, thấp hơn nhiều so với tỷ trọng khoảng 50 - 60% vào năm ngoái. Tuy nhiên, về dài hạn, chúng tôi hy vọng sẽ sớm quay trở lại thị trường Trung Quốc bởi nhu cầu vẫn rất cao và chính quyền nước này đang kiểm soát tốt dịch COVID-19. Một số tỉnh đang có dấu hiệu nới lỏng dần các lệnh hạn chế”, ông Mirtchev nói.
Việc đóng cửa dịch vụ ăn uống tại chỗ để chống dịch COVID-19 đang làm ảnh hưởng đến nhu cầu thuỷ sản từ lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống của Trung Quốc, vốn đóng vai trò quá lớn trong thị trường thủy sản nói chung của nước này. Khác với Trung Quốc, tại Châu Âu, hoạt động bán lẻ có ảnh hưởng lớn đối với thuỷ sản, hơn là dịch vụ nhà hàng, khách sạn.
Thêm vào những lo lắng về sức mua của người Trung Quốc, đồng nhân dân tệ đã chịu áp lực nghiêm trọng trong những tuần gần đây. Chỉ số tổng hợp Thượng Hải ( Shanghai Composite Index) đã giảm hơn 10% trong quý đầu tiên, thêm áp lực giảm giá đối với đồng Nhân dân tệ. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% cho năm 2022.
Ông Des Moore, chủ sở hữu của công ty xuất khẩu và nuôi hàu ở Ireland Belles Isle, đã ngừng xuất khẩu sang Trung Quốc do những bất ổn mà ông phải đối mặt khi đưa sản phẩm của mình qua hải quan.
“Nhìn chung, các nhà xuất khẩu đang khá e dè đối với việc xuất khẩu sang Trung Quốc vì còn quá nhiều yếu tố bất ổn trong suốt 2 năm qua. Sẽ khả thi hơn nếu nuôi những con hàu nhỏ hơn từ 70 đến 120 gram và phục vụ thị trường Châu Âu hơn là nuôi những con hàu 120 đến 200 gam cho Trung Quốc và sau đó hy vọng thị trường sẽ rộng mở”, ông Des Moore nói.
Theo Giám đốc bán hàng của Bakkafrost, Annika Frederiksberg, những nhà xuất khẩu cá hồi cũng đang phải đối mặt với những bất ổn.
Ông Frederiksberg nói: “Vấn đề logistics là thách thức rất lớn. Các cảng của Trung Quốc liên tục đóng - mở rất thất thường”.
Trong nhiều năm qua, thị trường Trung Quốc chiếm vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp ông.
Giám đốc điều hành của C&N Chambers, công ty có trụ sở tại Kilkeel, Bắc Ireland ông Alan Price cho rằng mặc dù các chính sách kiểm dịch ngặt nghèo nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường hấp dẫn đối với các mặt hàng động vật giáp xác và động vật có vỏ đông lạnh.
Giá cua vẫn đang khá cao ở Trung Quốc khoảng 9 USD/kg. Điều này tạo áp lực khá lớn đối với những người mua hàng ở Châu Âu. Ngoài ra, một số công ty nhập khẩu ở Bồ Đào Nha sẵn sàng trả giá cao hơn. Việc Châu Âu tái khởi động hoạt động du lịch đã giúp nhu cầu ăn uống cao hơn.
Price cho biết: “Một số khách hàng của chúng tôi ở Nam Âu đang cung cấp các sản phẩm đông lạnh cho các siêu thị và Bồ Đào Nha hiện sẵn sàng trả giá cao hơn, điều mà trước đây họ chưa từng làm”.
 

Nguồn: vietnambiz