Châu Âu chuẩn bị bước vào một năm hạn hán liên tiếp do lượng mưa ít ở Pháp, Ireland, Thụy Sĩ, Italia, Tây Ban Nha và Đức. Theo Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz, đây sẽ là năm hạn hán thứ năm trong sáu năm qua. Nhiệt độ cao kỷ lục đã trải qua trong mùa hè năm 2022, sau đó là thời kỳ mùa đông khô hạn, khiến nhiều tầng chứa nước và hồ chứa trên bề mặt khô cạn. Khi mùa hè năm 2023 đến gần, tình trạng thiếu nước nghiêm trọng có thể đe dọa nguồn cung cấp lương thực của các nước Châu Âu.
Italia và Tây Ban Nha đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và điều này đã ảnh hưởng đến sản xuất gạo, dầu ô liu và cam quýt. Nguồn cung dầu ô liu toàn cầu được dự báo sẽ giảm 38,8% xuống còn khoảng 2 triệu tấn trong năm 2023, từ mức 3,3 triệu tấn trong niên vụ 2021/22, do sản lượng giảm ở Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha.
Theo Trung tâm nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu, Italia chiếm 50% trong tổng sản lượng gạo của EU và Bang Lombardy và Piedmont là các vùng trồng lúa chính ở Italia, độ ẩm của đất đã không thể phục hồi sau đợt hạn hán năm 2022 và tuyết rơi tích tụ trong Dãy núi Alps của Italia thấp hơn mức của năm trước. Do đó, sản lượng lúa gạo ở Italia sẽ giảm, với diện tích gieo trồng giảm xuống còn 211.000 ha, giảm 7.400 ha so với năm 2022 và giảm 16.000 ha so với năm 2021. Đây sẽ là diện tích sản xuất lúa gạo nhỏ nhất của Italia trong 23 năm.
Nguồn cung dầu ô liu toàn cầu năm 2023 được dự báo sẽ giảm 38,8% xuống còn khoảng 2 triệu tấn, từ mức 3,3 triệu tấn trong niên vụ 2021/22, do sản lượng giảm ở Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha. Chỉ riêng Tây Ban Nha đã cung cấp 40% lượng dầu ô liu của thế giới và theo Ủy ban Châu Âu, sản lượng dầu ô liu của Tây Ban Nha sẽ giảm gần 50% do sóng nhiệt trong giai đoạn ra hoa của ô liu. Sản xuất tại Italia và Bồ Đào Nha, nhà sản xuất dầu ôliu lớn thứ hai và thứ tư trên thế giới, đóng góp lần lượt 20% và 9,6% sản lượng dầu ôliu của thế giới, cũng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng do hạn hán. Mặc dù Hy Lạp không bị ảnh hưởng bởi hạn hán, nhưng lượng dầu ô liu của nước này sẽ không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt ở Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha.
Sản xuất cam quýt ở Tây Ban Nha cũng sẽ bị ảnh hưởng, với ước tính sản lượng mới nhất cho niên vụ 2022/23 là 5,8 triệu tấn, giảm 17,7% so với niên vụ 2021/22 và là vụ mùa đạt thấp nhất trong mười năm qua. Tây Ban Nha là một trong những nước cung cấp cam quýt hàng đầu thế giới và sau những thiệt hại về sản xuất cam quýt ở Mỹ, Nam Phi, Brazil, sản lượng toàn cầu sẽ giảm đáng kể. Do đó, sản lượng cam toàn cầu ước tính sẽ giảm xuống còn 47,5 triệu tấn vào năm 2022/23, giảm 5% so với mùa vụ 2021/22, với ước tính của EU đạt 10,5 triệu tấn, giảm 13% so với mùa vụ trước đó.
Những lo ngại này đã đẩy giá các sản phẩm dầu ô liu, cam và gạo tăng cao. Theo Asoliva, hiệp hội các nhà xuất khẩu Tây Ban Nha, giá bán buôn dầu ô liu nguyên chất ở Tây Ban Nha đã tăng lên 7,51 USD/lít so với 5,48 USD/lít trong năm trước, tăng 37% và giá xuất khẩu tăng 60,4% so với cùng kỳ lên 5,63 USD/lít vào ngày 23/32023. Giá tăng đã làm nhu cầu giảm 15-20% so với năm 2022. Theo dữ liệu của Tridge, giá cam xuất khẩu của Tây Ban Nha cũng tăng từ mức 0,74 USD/kg trong ngày 22/3/2023 lên 0,95 USD/kg trong ngày 23/3/2023, tức tăng 30%. Tại Italia, giá xuất khẩu tất cả các loại gạo đã tăng trong tháng 4/2023. Ví dụ, ở Bologna, giá gạo Arborio 2125 EUR/tấn, tăng 43,58% so với năm trước, trong khi gạo Baldo1795 EUR/tấn so với 1297,50 EUR/tấn trong cùng kỳ năm 2022, tăng 38,34%.
Những khó khăn trong sản xuất cam quýt ở Tây Ban Nha cũng có thể mở ra cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh như Ai Cập tăng thị phần tại EU. Do đó, năm 2023, sản lượng cam ở Ai Cập tăng dự kiến sẽ đẩy xuất khẩu của nước này lên 1,7 triệu tấn, tăng 30,77% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất từ trước đến nay. Sản lượng gạo ở Italia giảm cũng có thể dẫn đến việc các thị trường xuất khẩu hàng đầu của nước này là Pháp, Đức và Anh chuyển sang nhập khẩu từ các nhà cung cấp thay thế như Campuchia, Pakistan, Thái Lan và Ấn Độ. Đặc biệt, Campuchia đang tìm cách thực hiện các chiến lược thúc đẩy xuất khẩu gạo vào năm 2023, với EU được coi là thị trường xuất khẩu chính.
Hy vọng các quốc gia bị ảnh hưởng bởi hạn hán tiếp tục có chiến lược để khắc phục tình trạng thiếu nước. Ví dụ, ở Catalonia - Tây Ban Nha, chính phủ đã ra lệnh cho nông dân giảm 40% lượng nước tiêu thụ, và ở Thụy Sĩ đã nỗ lực che phủ các sông băng và tuyết trên núi bằng những tấm khổng lồ phản chiếu ánh nắng mặt trời. Tại Italia, Legambiente, một hiệp hội môi trường và chính phủ đang thảo luận về việc thực hiện tái sử dụng nước thải tinh khiết trong sản xuất cây trồng cùng với việc xây dựng các chiến lược tưới tiêu hiệu quả hơn.
Giá dầu ô liu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới do các nhà sản xuất chính là Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha đều dự kiến sản lượng sẽ giảm do hạn hán. Tại Italia, giá gạo dự kiến sẽ tăng khi việc gieo sạ sẽ bắt đầu vào tháng 4/2023 trong bối cảnh nguồn cung cấp nước hạn chế. Nhập khẩu gạo của Italia cũng tăng 86% so với cùng kỳ năm ngoái và nước này chuyển sang nhập khẩu gạo từ Pakistan, Myanmar và Việt Nam.