Dầu thực vật
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 6/2023 trên sàn Bursa Malaysia đầu phiên giao dịch tăng 94 ringgit, tương đương 2,5% lên 3.855 ringgit (872,17 USD)/tấn. Thị trường đạt mức cao nhất kể từ ngày 20/3 ở 3.888 ringgit/tấn trước đó trong phiên. Thời điểm nghỉ giữa ngày, hợp đồng kỳ hạn này chốt ở 3.723 ringgit (845,18 USD)/tấn. Tính chung cả tuần, hợp đồng này đã tăng 6,84% nhưng lại đang trên đà giảm hàng tháng.
Ngày 02/4, Malasia đã ký một biên bản thỏa thuận với Hiệp hội Thương mại được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn để tăng cường hợp tác và kinh doanh dầu cọ.
Giá dầu tăng khoảng 5 USD trong thời điểm mở cửa phiên đầu tuần, do thông báo bất ngờ của OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng hơn nữa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường, khiến cọ trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn cho nguyên liệu dầu diesel sinh học.
Trên sàn Đại Liên, giá dầu đậu tương tăng 2,1% và giá dầu cọ tăng 2,3%. Trên sàn Chicago, giá dầu đậu tương tăng 2,2%. Giá dầu cọ chịu ảnh hưởng bởi giá dầu có liên quan khi cạnh tranh thị phần trên thị trường dầu thực vật toàn cầu.
Đường
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2023 trên sàn ICE tăng 0,29 cent, tương đương 1,3% lên 22,25 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất hơn 6 năm ở 22,36 US cent/lb. Giá đường trắng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 0,4 USD, tương đương 0,1% xuống 630,3 USD/tấn, chỉ thấp hơn mức cao nhất 10,5 năm ở 634,8 USD/tấn trong phiên trước đó. Tính chung cả tuần, giá đường thô tăng 6,9% còn giá đường trắng tăng 5,5%.

Fitch Solutions cho biết, dự báo thu hoạch sụt giảm ở Brazil, Ấn Độ và châu Âu khiến thị trường lo ngại về nguồn cung, trong khi giá cũng được hỗ trợ bởi việc tiếp tục chuyển hướng sử dụng mía để sản xuất ethanol ở Ấn Độ.
Nhà môi giới Czarnikow đã điều chỉnh giảm dự báo về sản lượng của Trung Quốc, và cho biết đây sẽ là mức thấp nhất trong 7 năm.
Theo đó, sản lượng đường tại Trung Quốc, một trong những nước tiêu thụ chất tạo ngọt lớn nhất thế giới, được điều chỉnh giảm xuống 9 triệu tấn trong niên vụ 2022/23 (tháng 10-tháng 9), thấp hơn nửa triệu tấn so với niên vụ trước.
Theo Czarnikow, thời tiết khô hạn ở tỉnh trồng mía chính Quảng Tây là nguyên nhân chính khiến sản lượng giảm trong niên vụ hiện tại. Thâm hụt nguồn cung trong nước sẽ tăng lên 6,5 triệu tấn, mức cao thứ hai từ trước đến nay.
Trung Quốc sẽ phải tăng cường nhập khẩu đường thô và đường lỏng để cân bằng nguồn cung trong nước, đặc biệt là do tiêu dùng tăng sau khi các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 kết thúc. Czarnikow ước tính Trung Quốc sẽ nhập khẩu 5,4 triệu tấn đường trong năm 2022/23.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters