Trong thời gian vừa qua, thông tin về những vườn tiêu sớm thu hoạch của tỉnh Đắk Nông đã góp phần làm giảm giá tiêu trong nước. Hiện mức thu mua của khu vực này đang xuống dưỡi mốc 80.000 đồng/kg.
Nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu thế giới trong năm nay vẫn tương đối tốt, nhưng tình trạng mất mùa tại các nước sản xuất chính dẫn đến sự sụt giảm về xuất khẩu.
Theo Hiệp hội Hạt tiêu thế giới (IPC), Brazil hiện là quốc gia duy nhất có nguồn cung tăng do vụ thu hoạch ở phía Bắc của nước này, trong khi các quốc gia khác đều khan hàng. Tin tức về vụ mới của Việt Nam không mấy khả quan khiến khách hàng có thể sẽ chuyển sang mua hạt tiêu Brazil nhiều hơn do giá cước vận tải tốt hơn.
Về triển vọng năm 2022, hầu hết chuyên gia, đơn vị xuất khẩu và người trồng hạt tiêu đều có chung một kỳ vọng là giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng do cung - cầu hạt tiêu đang dần trở về trạng thái cân bằng, thậm chí có thể thiếu hụt nếu tình hình sản xuất không thuận lợi.
Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Trồng trọt và Hàng hóa Malaysia, ông Datuk Willie Mongin đánh giá cao các sáng kiến của Ủy ban Hạt tiêu Malaysia (MPB) trong việc giới thiệu một số hệ thống và ứng dụng di động như LadaGo, cũng như chương trình hỗ trợ trồng tiêu trực tuyến. Theo Kế hoạch Malaysia lần thứ 12, Chính phủ nước này thông qua Ủy ban Hạt tiêu Malaysia tiếp tục hỗ trợ nông dân trồng tiêu bằng việc thực hiện Kế hoạch trồng tiêu mới (STLB) như một động lực khuyến khích người dân trồng tiêu mới và tiêu trưởng thành. Bên cạnh đó là Chương trình Trồng tiêu (STLM) nhằm hỗ trợ những người trồng tiêu trên cả nước duy trì các cây tiêu ít nhất ba năm tuổi.
Theo số liệu từ Ủy Ban Thương mại Quốc tế Mỹ, trong tháng 10 nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ đạt 6.560 tấn, giảm 24% so với tháng trước và 30,6% so với cùng kỳ năm ngoái. So với tháng trước, lượng hạt tiêu của Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh, nhưng các thị trường khác như Brazil, Ấn Độ, Indonesia tăng. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, nhập khẩu hạt tiêu của Mỹ vẫn tăng 8,4% so với cùng kỳ và đạt 80.403 tấn. Trong đó ngoại trừ lượng nhập khẩu từ Brazil ghi nhận sự sụt giảm, Mỹ tăng nhập khẩu ở hầu hết các nhà cung cấp khác. Đứng đầu là Việt Nam với 55.091 tấn, tăng 13% và chiếm 68,5% tổng khối lượng hạt tiêu nhập khẩu vào Mỹ trong 10 tháng, tăng so với thị phần 65,7% của cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tại Ấn Độ đã được cải thiện khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại sau một thời gian dài bị tác động bởi đại dịch COVID-19. Điều này dẫn đến việc người tiêu dùng cạnh tranh để mua hạt tiêu với giá do chính người bán quy định. Tuy nhiên, nguồn cung trên thị trường lại có hạn nên dẫn đến giá cả tăng vọt, theo The Hindu Business Line. Trong 5 tuần tính đến đầu tháng 12 giá tiêu tại Ấn Độ đã tăng liên tiếp 18%. Giá tiêu tại quốc gia Nam Á này đã tăng lên mức kỷ lục 532 rupee/kg dẫn đến việc nông dân và các đại lý ở các thị trường sơ cấp găm hàng không bán với hy vọng giá sẽ tăng thêm. Do đó, nguồn cung trên thị trường đã bị ảnh hưởng.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 23/12/2021 đến ngày 29/12/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 306,98 VND/INR, theo nguồn Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters