Thời gian qua, giới đầu cơ Đông Nam Bộ liên tục có động thái chuyển dịch sang bất động sản, khiến dòng tiền rời khỏi hạt tiêu, góp phần đẩy giá khu vực này xuống thấp, chênh lệch không đáng kể với các tỉnh Tây Nguyên.
Tình trạng khan hàng tại nhiều nước sản xuất tiêu lớn trên thế giới cùng với gia tăng giá cước vận tải đã đẩy giá hạt tiêu tăng mạnh trong thời gian qua. Đến nửa đầu tháng 12, giá hạt tiêu thế giới có xu hướng giảm do nhu cầu chậm lại. Tuy nhiên, so với đầu năm nay, giá hạt tiêu hiện vẫn đang tăng từ 45 – 55%.
Số liệu về xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 10 năm qua cho thấy, ngành hàng này vẫn còn nhiều bấp bênh và bất cứ sự gia tăng nào về nguồn cung trong tương lai cũng có thể dẫn đến nguy cơ sụt giảm về giá.
Về thị trường xuất khẩu, ngoại trừ thị trường Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, các thị trường quan trọng khác của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Đông đều ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực bất chấp những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Về triển vọng năm 2022, hầu hết chuyên gia, đơn vị xuất khẩu và người trồng hạt tiêu đều có chung một kỳ vọng là giá mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng do cung - cầu hạt tiêu đang dần trở về trạng thái cân bằng, thậm chí có thể thiếu hụt nếu tình hình sản xuất không thuận lợi.
Hiệp hội Hạt tiêu thế giới (IPC) thông tin Mỹ đã dần đặt chỗ cho các đơn hàng năm 2022, thị trường Trung Quốc sức mua chậm lại trong khi châu Âu dè dặt nhập hàng. Dự báo sức mua từ thị trường Trung Đông cũng yếu. Trung Đông là một thị trường hết sức tiềm năng khi nhập khẩu của khu vực này tăng khá mạnh trong thời gian gần đây.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 23/12/2021 đến ngày 29/12/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 306,98 VND/INR, theo nguồn Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters