Trước đó, nhiều chuyên gia nhận định giá vẫn tiếp tục tăng trong hai tháng cuối năm do nhu cầu cho dịp lễ Tết và nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, xu hướng giảm đã diễn ra liên tiếp trong thời gian qua dù có một số đợt điều chỉnh tăng nhẹ.
Thị trường khá trầm lắng do các đơn vị xuất khẩu đã gom đủ hàng cho đến hết năm 2021, dòng tiền đầu cơ chảy về mặt hàng cà phê và nhu cầu của Trung Quốc thấp hơn dự kiến.
Cùng với yếu tố cung – cầu, chi phí sản xuất tăng cao, nhất là phân bón, xăng dầu, giá cước vận chuyển,… là những yếu tố làm tăng giá hạt tiêu trong năm 2022. Tuy nhiên, diễn biến thị trường sẽ rất khó đoán bởi sau những gì đã diễn ra trong năm 2021, xu hướng giữ tiêu trong dân và giới đầu cơ nhiều khả năng sẽ tiếp diễn.
Trong 5 tuần tính đến đầu tháng 12/2021, giá tiêu tại Ấn Độ đã tăng liên tiếp 18%. Giá tiêu tại quốc gia Nam Á này đã tăng lên mức kỷ lục 532 rupee/kg dẫn đến việc nông dân và các đại lý ở các thị trường sơ cấp găm hàng không bán với hy vọng giá sẽ tăng thêm. Do đó, nguồn cung trên thị trường đã bị ảnh hưởng.
Trong nửa đầu tháng 12, giá tiêu đen xuất khẩu của các nhà cung cấp lớn trên thế giới đồng loạt giảm do nhu cầu chậm lại.
Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 16/12/2021 đến ngày 22/12/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 305,04 VND/INR, theo nguồn Cổng Thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Fior Markets, thị trường tiêu đen toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 3,9 tỷ USD vào năm 2020 lên gần 6 tỷ USD vào năm 2028, tương ứng tốc độ tăng trưởng bình quân là 5,5% trong giai đoạn năm 2021-2028. Tiêu đen là loại gia vị quan trọng và được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu, được trồng ở hơn 25 quốc gia và sản lượng khoảng 310.000 - 320.000 tấn.
Nhu cầu ngày càng tăng đối với bánh kẹo và các sản phẩm bánh mì cũng như việc sử dụng hạt tiêu đen trong các sản phẩm làm đẹp dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường ở châu Âu.

Nguồn: Vinanet/VITIC/Reuters