Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 1 vì tháng có kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, bước sang nửa đầu tháng 2/2023, XK thủy sản tăng 42% so với cùng kỳ. Ước tính tổng giá trị XK thủy sản trong tháng 2 đạt khoảng 662 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022.
Xu hướng XK trong tháng 2/2023 có dấu hiệu khả quan hơn so với tháng trước, nhưng so với cùng kỳ với mức tăng khiêm tốn 4% chưa phản ánh xu hướng hồi phục vì năm 2022, Tết Nguyên đán diễn ra vào đầu tháng 2.
Lũy kế 2 tháng đầu năm, XK thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó cá tra vẫn giảm sâu 38% đạt 240 triệu USD, tôm giảm 37% đạt 350 triệu USD, cá ngừ giảm 27% đạt 113 triệu USD. XK mực, bạch tuộc và các loại cá biển có xu hướng tích cực hơn với tăng trưởng 6% mỗi loại, đạt lần lượt 103 triệu USD và 273 triệu USD.
Sau khi mở cửa, XK sang Trung Quốc bắt đầu có tín hiệu tích cực. Trong tháng 2, giá trị XK thủy sản sang thị trường này tăng 33% lên 122 triệu USD. Lũy kế 2 tháng đầu năm, XK sang Trung Quốc đạt 158 triệu USD, giảm 7% so với cùng kỳ.
Thị trường Mỹ và EU vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục trong tháng 2, nên XK vẫn giảm lần lượt 35% và 8% so với cùng kỳ năm 2022. Tính đến cuối tháng 2/2023, XK thủy sản sang Mỹ đạt 164 triệu USD, giảm 53%, sang EU giảm 32% đạt 123 triệu USD.
XK thủy sản sang Hàn Quốc, các nước CPTPP và một số thị trường khác cũng có xu hướng khả quan hơn. Riêng Hàn Quốc tăng 26% NK thủy sản Việt Nam trong tháng 2, khối CPTPP tăng 14%. Tuy nhiên, do giảm mạnh trong tháng 1 nên kết quả 2 tháng đầu năm sang các thị trường này vẫn bị thấp hơn so với cùng kỳ.
Nhu cầu của các thị trường đang có xu hướng dần hồi phục, nhất là thị trường Trung Quốc và nhiều thị trường nhỏ khác. Nguồn nguyên liệu thủy sản (tôm, cá tra) cũng sẽ tăng trong tháng tiếp theo, do vậy XK trong tháng 3 và những tháng 4 sẽ tăng dần trở lại so với những tháng đầu năm.
 

Nguồn: Haiquanonline