Giá ngô được giao dịch trên sàn Chicago ngày 27/04 tăng phiên thứ bảy liên tiếp, thị trường chạm mức cao nhất gần 8 năm do thời tiết bất lợi ở Brazil và Mỹ làm gia tăng lo ngại về nguồn cung toàn cầu.
Lúa mì tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2013, trong khi đậu tương đạt mức cao nhất gần 8 năm.
Giá ngũ cốc được giao dịch trên sàn Chicago ở kỳ hạn tham chiếu đã tăng 0,1% lên mức 6,58-1/4 USD/bushel, trong phiên giao dịch giá ngũ cốc có lúc đạt mức 6,66 USD/bushel, mức cao nhất kể từ tháng 6/2013.
Giá đậu tương giảm 0,4% xuống 15,35 USD/bushel, sau khi chạm mức cao nhất tháng 6/2013, trong phiên trước đó giá đậu tương đạt mức 15,45 USD/bushel.
Giá lúa mì tăng 0,3% lên 7,42-1/2 USD/bushel, không xa mức cao nhất 7,47 USD/bushel kể từ tháng 2/2013.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, nông dân nước này đã có thể trồng 17% diện tích ngô, phù hợp với ước tính trung bình trong một cuộc thăm dò ý kiến của các nhà phân tích. Tuy nhiên, trồng ngô vẫn còn chậm so với tốc độ bình quân 5 năm là 20%.
Theo USDA, việc trồng đậu tương đã hoàn thành 8%, phù hợp với ước tính trung bình của các nhà phân tích và trước mức trung bình 5 năm là 5%.
EU cho biết năng suất tiềm năng của vụ đông năm nay ở Liên minh châu Âu đã giảm nhẹ kể từ tháng 3 do thời tiết lạnh và khô cản trở sự phát triển và cũng khiến việc gieo hạt vụ xuân bị trì hoãn.
Các nhà phân tích cho biết giá xuất khẩu lúa mì của Nga đã tăng tuần thứ ba liên tiếp trong tuần trước giá cao hơn ở Chicago và Paris do lo ngại về nguồn cung toàn cầu.
Trong báo cáo tháng 4/2021 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo xuất khẩu kết hợp ngũ cốc thô của Canada - ngô, lúa mạch đen, lúa mạch và yến mạch sẽ đạt mức cao mới vào năm 2020/21 chủ yếu do xuất khẩu lúa mạch tăng cao.
Mỹ là nhà nhập khẩu hàng đầu đối với hầu hết các loại ngũ cốc này, trong khi xuất khẩu sang các nước khác đã tăng lên, phản ánh các động lực thương mại tiềm ẩn trong mỗi loại ngũ cốc.
Xuất khẩu ngô hiện được dự báo sẽ phục hồi so với một năm trước do nhu cầu ở châu Âu, trong khi xuất khẩu lúa mạch đen tăng cao tới Mỹ do nhu cầu đối với thực phẩm và thức ăn chăn nuôi.
USDA dự báo xuất khẩu lúa mạch của Canada đạt 3,6 triệu tấn trong năm 2020/21 chủ yếu sang Trung Quốc. Triển vọng xuất khẩu của Canada sang Trung Quốc đã được cải thiện mạnh mẽ kể từ năm ngoái vì Trung Quốc đã áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với lúa mạch từ nhà cung cấp hàng đầu của họ là Úc. Ngoài ra, Trung Quốc đã tích cực thu mua các loại ngũ cốc thức ăn chăn nuôi có giá cạnh tranh để thay thế cho ngô trong nước. Từ tháng 10/2020 đến tháng 2/2021, xuất khẩu lúa mạch sang Trung Quốc đã ở mức tương đương với lượng xuất khẩu của cả năm ngoái. Canada là nước xuất khẩu lúa mạch lớn thứ năm trên thị trường toàn cầu.
Đối với yến mạch, Canada là nước xuất khẩu hàng đầu trên toàn cầu. Xuất khẩu yến mạch cho năm 2020/21 hiện được USDA dự báo ở mức 2 triệu tấn, lớn nhất kể từ năm 2007/08. Mỹ là thị trường hàng đầu do nhu cầu mạnh mẽ về thức ăn chăn nuôi chất lượng cao cho ngựa và làm thực phẩm. Kể từ năm ngoái, xuất khẩu sang Mỹ Latinh, đặc biệt là Chile, đã tăng đáng kể. Chile đã mở rộng chế biến yến mạch và xuất khẩu sang các nước láng giềng. Trung bình, gần một nửa sản lượng yến mạch ở Canada được dành cho xuất khẩu.