Việt Nam
Giá phân Ure Phú Mỹ tại Cần Thơ có giá 7.500 – 7.700 đ/kg; DAP Xanh Tường Phong 64% bán ra mức 12.400 – 12.600 đ/kg ; Kali Belarus miếng có giá 8.250 – 8.300 đồng/kg ; NPK Phú Mỹ (Nga 16-16-8+13S+TE) bán ra 8.700 – 8.900 đồng/kg.
Tại chợ Trần Xuân Soạn, giá Ure Cà Mau chào ở mức 6.950 – 7.100 đồng/kg.
Thế giới
Việc Trung Quốc hủy bỏ thuế xuất khẩu phân bón trong năm 2019 dự kiến ảnh hưởng đáng kể tới thị trường SOP và NPK.
Ngày 22/12/2018, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố thuế XNK áp dụng vào năm 2019. Năm 2019, Trung Quốc áp thuế xuất khẩu lên 108 mặt hàng xuất khẩu với thuế suất không đổi và hủy bỏ thuế xuất khẩu đối với 94 mặt hàng hóa. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2019, hủy bỏ thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng phân bón. Cụ thể, thuế xuất khẩu kali giảm từ mức 600 CNY/tấn năm 2018 xuống 0 ; thuế xuất khẩu NPK giảm từ 100 CNY/tấn xuống 0 ; thuế xuất khẩu phân bón NPK từ 5% và phân bón khác từ 30% xuống 0 . Ngoài ra, các chủng loại phân bón Ure, DAP, MAP, SA hiện vẫn không áp dụng thuế xuất khẩu.
Đối với Kali, thực tế, do Trung Quốc phụ thuộc khoảng 50% và MOP nhập khẩu nên khả năng xuất khẩu MOP không nhiều. Tuy nhiên, do các thỏa thuận hợp đồng Kali lớn gần đây của Trung Quốc có mức giá khá khác biệt so với giá thế giới nên không loại trừ khả năng các thương nhân sẽ bán kali sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, dự kiến thị trường SOP Trung Quốc sẽ có thay đổi đáng kể do nguồn cung SOP trong nước luôn dư thừa trong bối cảnh bị hạn chế xuất khẩu do thuế xuất khẩu cao. Năm 2019, các doanh nghiệp SOP sẽ có thể xuất khẩu và có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ tại thị trường Đông Nam Á.
Đối với NPK, giảm thuế xuất khẩu từ 100 CNY/tấn xuống mức 0 cũng dự kiến sẽ cải thiện lượng NPK xuất khẩu của Trung Quốc.
Đối với các mặt hàng Ure, DAP... do hủy bỏ thuế xuất khẩu từ năm 2017 nên dự kiến tác động thuế sẽ không đáng kể đến thị trường phân bón năm 2019.
Trên thị trường nguyên liệu, giá dầu thế giới duy trì đà tăng, song giá mặt hàng vẫn bị kiềm chế bởi sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và mối lo ngại về tăng trưởng nhu cầu.
Chốt phiên này, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 44 xu (0,78%) lên 56,66 USD/thùng; còn giá dầu Brent tăng 31 xu (0,47%) lên 66,30 USD/thùng. Nhà phân tích Phil Flynn, thuộc Price Futures Group, tại Chicago (Mỹ), nhận định các nền tảng cơ bản trên thị trường dầu mỏ vẫn khá vững mạnh, song một số người vẫn tỏ ra quan ngại về tình trạng dư cung.
Theo các nhà giao dịch, những nỗ lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga nhằm cắt giảm sản lượng và thắt chặt thị trường đã hỗ trợ giá dầu. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela cũng có tác động tích cực đến giá “vàng đen”. Hiện Washington đang gây sức ép buộc các chính phủ khác giảm lượng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran xuống 0.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn chịu áp lực do lo ngại về tình hình kinh tế châu Âu, khiến chứng khoán Phố Wall giảm điểm và “phủ mây đen” lên triển vọng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu. Ngày 7/3, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong năm nay và năm 2020 do "những bất ổn" từ địa chính trị cho đến xung đột thương mại đang đè nặng lên nền kinh tế khu vực. Cụ thể, ECB dự báo nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 1,1% trong năm nay, giảm 0,6% so với mức dự báo trước đó.
Trên thị trường khí gas, giá gas hôm nay giảm nhẹ bất chấp tồn kho gas giảm 149 Bcf so với tuần trước. Hiện tổng lượng tồn kho gas đạt 1.390 Bcf, dưới mức trung bình 5 năm, theo EIA.
Giá gas ngày 8/3 giảm 0,03% xuống còn 2,864 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 4 vào lúc 6h53 (giờ Việt Nam).
Theo báo cáo của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tính đến 1/3, tổng lượng tồn kho gas Mỹ đạt 1.390 Bcf, giảm 149 Bcf so với báo cáo trước trong khi kì vọng giảm 140 Bcf.
Ở mức 1.390 Bcf, tồn kho gas đã giảm 243 Bcf so với cùng kì năm ngoái và 464 Bcf so với mức trung bình 5 năm là 1.854 Bcf.
Bên cạnh đó, thời tiết dự kiến sẽ lạnh hơn bình thường ở phía Tây và Trung Tây nước Mỹ trong khoảng hai tuần tới. Tuy nhiên, phía Đông được dự báo sẽ trở nên ấm áp hơn vào cuối tuần này. Nhìn chung, nhu cầu tiêu thụ sẽ ở mức vừa phải vào tuần này.
Tại thị trường ngoại tệ, ngày hôm nay tỷ giá trung tâm VND/USD được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 22.946 đồng/USD, tăng 6 đồng so với phiên hôm qua 7/3/2019.
Cũng tại sở giao dịch ngân hàng nhà nước (NHNN), tỷ giá USD mua vào - bán ra là 23.200 đồng/USD và 23.584 đồng/USD, không đổi ở chiều mua vào và tăng 6 đồng ở chiều bán ra so với ngày hôm qua.
Tại các ngân hàng thương mại sáng nay, giá USD không đổi so với ngày 7/3/2019.
Tỷ giá tính chéo của Đồng Việt Nam so với Nhân dân tệ (CNY) áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu của Ngân hàng Nhà nước thông báo ngày hôm nay ở mức 3.421,33 VND/CNY.
Trên thị trường tự do, lúc 9h50 giá USD niêm yết ở mức mua vào là 23.205 đồng/USD và bán ra là 23.220 đồng/USD, giảm 3 đồng ở chiều mua vào và tăng 5 đồng ở chiều bán ra so với chiều ngày hôm qua 7/3/2019.
Diến biến giá USD tại thị trường tự do ngày 8/3/2019

Nguồn: VITIC tổng hợp

Nguồn: Vinanet