Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý I/2022, Việt Nam xuất khẩu được 3,42 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 14,13 triệu USD, giảm 24,1% về lượng và giảm 17% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các thị trường thuộc khu vực châu Á. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hongkong chiếm 58,2% tổng kim ngạch thịt và các sản phẩm thịt xuất khẩu của cả nước, đạt 1,43 nghìn tấn, trị giá 8,22 triệu USD, giảm 55,8% về lượng và giảm 37,1% về trị giá so với quý I/2021.
Thời gian qua, việc xuất khẩu sản phẩm thịt cũng đã có những bước tiến như xuất khẩu thịt heo sữa, heo mảnh sang thị trường Hồng Kông, một số sản phẩm thịt heo khử trùng xuất khẩu sang Hàn Quốc. Thị trường xuất khẩu các sản phẩm gia cầm chế biến cũng còn nhiều tiềm năng.
Trong quý I/2022, các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu vẫn là đùi ếch đông lạnh (được xuất khẩu chủ yếu sang Pháp, Mỹ và Bỉ); Thịt heo sữa đông lạnh và thịt heo nguyên con đông lạnh (được xuất khẩu duy nhất sang thị trường Hồng Kông); Thịt và phụ phẩm ăn được của gia cầm (được xuất khẩu chủ yếu sang Hàn Quốc, Trung Quốc); Phụ phẩm ăn được sau giết mổ của trâu, bò, heo (được xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc và thị trường Hồng Kông)…
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long cho biết, Việt Nam có tổng đàn gia súc gia cầm lớn với quy mô hơn 28 triệu con heo; 525 triệu con gia cầm, 8,6 triệu con bò; sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 6,69 triệu tấn/năm, sữa tươi đạt gần 1,2 triệu tấn, trứng hơn 17,5 tỷ quả.
Đến nay, sản phẩm sữa đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, sữa và sản phẩm sữa Việt Nam đã đến với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ; xuất khẩu thịt gà chế biến chính ngạch sang nhiều thị trường, trong đó có cả châu Âu… Việt Nam còn xuất khẩu mật ong và sản phẩm từ ong, thịt heo đông lạnh, tổ yến, bột cá...
“Tuy nhiên, sản lượng thịt và các sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi cả nước đạt 440 triệu USD, nhưng nhập khẩu lên tới hơn 3,4 tỷ USD. Việt Nam đứng thứ năm thế giới về sản lượng thịt heo, nhưng trong thị trường thịt heo toàn cầu quy mô 28,5 tỷ USD, mỗi năm Việt Nam chỉ thu về 45 triệu USD từ việc xuất khẩu thịt heo”, ông Nguyễn Văn Long cho biết thêm.
Theo Tổng Giám đốc De Heus châu Á (Tập đoàn De Heus) - Gabor Fluit, muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tới các thị trường lớn như châu Âu thì Việt Nam phải đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu từ phía đối tác nhập khẩu. Sản phẩm phải bảo đảm không có tồn dư kháng sinh và phải được lấy từ những vùng an toàn dịch bệnh… Vì vậy, cần có sự phân tách ra từng vùng, kiểm soát chặt chẽ các trang trại lớn cũng như các trại nhỏ lẻ trong từng khu vực.
Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2040, mục tiêu đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 600 nghìn tấn thịt heo, tương đương giá trị 2,5-3 tỷ USD.
Để đạt mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ sẽ đồng hành cùng các địa phương, triển khai quyết liệt, đồng bộ việc chuyển đổi số trong chăn nuôi; đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao nhằm tiết kiệm chi phí.
Cùng với đó là gắn việc đẩy mạnh chăn nuôi với chế biến để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu và tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường có tiềm năng; đồng thời hỗ trợ việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE)...