Năm 2017 ông Trần Văn Xuất (ngụ thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) đã đứng ra kêu gọi người dân, thành lập Tổ hợp tác sản xuất cà phê Chi Lăng – Đông Anh và đến 2019, với sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, tổ này phát triển ổn định và phát triển lên thành Hợp tác xã nông nghiệp Nam Ban.
Hiện nay, Hợp tác xã nông nghiệp Nam Ban có khoảng 24 thành viên với diện tích sản xuất cà phê có cây bơ che bóng là khoảng 50ha. Toàn bộ diện tích này đang được phát triển theo mô hình chất lượng cao và đã đạt được chứng nhận UTZ. Theo ông Trần Văn Xuất, trước đây, gia đình ông và những hộ sản xuất cà phê trong vùng tổ chức sản xuất theo phương thức truyền thống và bán sản phẩm cho các thương lái, cơ sở thu mua trong vùng.
"Ngày đó, chúng tôi cứ sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học vào sản xuất nên về sau đất trên vườn bắt đầu khô cằn, cây vì thế cũng trở nên kém chất lượng. Mãi đến khi có Dự án VnSAT hỗ trợ, đào tạo kỹ thuật thì chúng tôi mới biết và chuyển qua sản xuất cà phê sạch", ông Trần Văn Xuất thổ lộ.
Cũng theo ông Trần Văn Xuất, hiện nay, các thành viên trong Hợp tác xã nông nghiệp Nam Ban áp dụng quy trình sản xuất sạch, hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật độc hại để bảo vệ sức khỏe và môi trường. Cỏ ở nền vườn cà phê được duy trì theo mô hình nông nghiệp hữu cơ để tạo hệ vi sinh, góp phần cải tạo đất, tăng độ ẩm và mùn cho đất giúp cây phát triển.
Để tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Nam Ban cũng đưa các giống bơ năng suất cao như bơ 034, bơ hass, bơ pinkerton (bơn pin) vào trồng xen. Những cây trồng này vừa góp phần tạo tán, che bóng cho cà phê vừa giúp người dân cải thiện nguồn thu nhập. "Riêng cây bơ, mỗi vụ một gốc cho thu hoạch khoảng 100kg trái. Có những năm, gia đình thu về 15 tấn trái", ông Trần Văn Xuất thổ lộ.

Hợp tác xã nông nghiệp Nam Ban đã đầu tư thêm hệ thống máy móc để đảm bảo khâu sơ chế, chế biến. Ảnh: Minh Hậu.

Đối với cà phê, các thành viên Hợp tác xã nông nghiệp Nam Ban tổ chức thu hoạch trái chín 100% sau đó chuyển sang các công đoạn chế biến. Cà phê sau khi được tuyển chọn, thu hoạch sẽ được cho vào bể ngâm rồi rửa sạch, vớt nổi sau đó đưa lên máy chà ra lụa. Đối với cà phê được chọn làm sản phẩm cà phê mật ong (cà phê honey), sau khi ngâm rửa sẽ được đưa vào nhà kính phơi…

Theo ông Trần Văn Xuất, với sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, mỗi năm, Hợp tác xã nông nghiệp Nam Ban sản xuất khoảng 100 tấn cà phê nhân cao cấp và 150 tấn nhân thường. Hiện nay, các sản phẩm cao cấp của hợp tác xã được một doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với khoảng 100 tấn/năm.
Đối với các thành viên, Hợp tác xã nông nghiệp Nam Ban cũng ký hợp đồng thu mua cà phê tươi với giá cao hơn giá thị trường.

Với sự hỗ trợ của Dự án VnSAT, mỗi năm, Hợp tác xã nông nghiệp Nam Ban sản xuất khoảng 100 tấn cà phê nhân cao cấp và 150 tấn nhân thường. Ảnh: Minh Hậu.

Thời gian qua, để nâng cao năng lực sản xuất và nâng cao giá trị nông sản, Hợp tác xã nông nghiệp Nam Ban đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà kho, nhà kính phơi cà phê.
Hợp tác xã cũng đầu tư tiền mua sắm các loại máy móc để khâu sơ chế, chế biến cà phê đạt hiệu quả. "Hiện nay, song song với việc tổ chức liên kết sản xuất cà phê sạch, chúng tôi cũng đẩy mạnh khâu mở rộng thị trường để hướng đến đưa sản phẩm cà phê sạch của hợp tác xã xuất khẩu ra nước ngoài", ông Trần Văn Xuất, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nam Ban thổ lộ.
Ông Nguyễn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho hay, Dự án VnSAT Lâm Đồng đã triển khai hỗ trợ 44 tổ chức nông dân nằm trong vùng sản xuất cà phê trọng điểm của tỉnh với các mô hình HTX/Tổ hợp tác sản xuất cà phê tập trung, gồm khoảng 14.000 hộ nông dân được hướng dẫn quy trình sản xuất cà phê theo hướng bền vững. Dự án đã hỗ trợ HTX, tổ hợp tác sản xuất cà phê có năng lực về hệ thống nhà kho, sân phơi, máy sấy, máy sơ chế… giúp các HTX, tổ hợp tác hoàn thiện quy trình chế biến cà phê, nâng cao chất lượng cà phê.
Thời gian qua, VnSAT là cầu nối giúp các HTX, tổ hợp tác sản xuất cà phê và các đơn vị cung ứng vật tư đầu vào và các doanh nghiệp chế biến, rang xay kết nối với nhau tạo thành chuỗi kết nối từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm nâng cao chuỗi giá trị. Thông qua hoạt động tập huấn, đào tạo, hội thảo, truyền thông…kết quả thực hiện các mô hình trình diễn, hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, hàng hóa thiết bị, đầu tư cơ sở hạ tầng cho tổ chức nông dân được biết đến rộng rãi và nhân rộng với nông dân trong các huyện/xã.

Nguồn: Minh Hậu/Nông nghiệp Việt Nam