Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức Đại hội bất thường ngày 17/3. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tổ chức Đại hội bất thường ngày 17/3. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam mới chỉ khai thác 40-50% tiềm năng
Tại đại hội, các đại biểu đã biểu quyết thông qua việc đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA); đồng thời bầu ra Ban chấp hành Hiệp hội mới gồm 21 thành viên. Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam.
Có thể nói, sự ra đời của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, cũng như tầm nhìn dài hạn đến 2030. Qua đó, nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp của Đảng và Nhà nước, cũng như đáp ứng kỳ vọng của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gia vị.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, hiện hồ tiêu Việt Nam thuộc top đầu thế giới và là nước xuất khẩu hồ tiêu nhiều nhất trên thế giới, và cũng là nước sản xuất hồ tiêu nhiều nhất trên thế giới. Bên cạnh hồ tiêu, thì cộng đồng các doanh nghiệp cũng có các mặt hàng gia vị khác như quế, ớt, hồi… trong đó, cây hồi đứng thứ ba và cây quế Việt Nam đứng thứ ba và nhiều loại cây gia vị khác.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, thì hiện nay ngành hồ tiêu và gia vị của Việt Nam mới chỉ khai thác được 40-50% tiềm năng nên vẫn còn nhiều dư địa. Bên cạnh đó, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển hơn quy hoạch và chiến lược phát triển tổng thể, ổn định lâu dài, nếu không kịp thời có chính sách, định hướng quản lý để phát triển hiệu quả thì có thể sẽ dẫn đến những lúng túng và tác động không mong muốn cho chính người trồng và khối doanh nghiệp hoạt động trong sản xuất và chế biến gia vị xuất khẩu ở Việt Nam.
Năm 2022, riêng mặt hàng hồ tiêu, Việt Nam xuất khẩu được khoảng hơn 232.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu gần 990 triệu USD. Tổng số lượng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gia vị đạt khoảng hơn 370.000 tấn, tương đương trên 1,4 tỷ USD.
"Đây là con số tương đối nhưng so với các nước có tiềm năng, có lợi thế như Việt Nam hiện nay về điều kiện tự nhiên thì đây là một con số rất khiêm tốn, mà chúng ta rất có tiềm năng phát triển thêm, mở rộng thêm", bà Liên nhận định.

Bà Hoàng Thị Liên được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA). Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bà Hoàng Thị Liên được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA). Ảnh: Nguyễn Thủy.
VPSA - bệ đỡ, nền móng cho ngành gia vị phát triển bền vững
Chính vì thế, bà Liên cho rằng, khi đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA) sẽ giúp Hiệp hội có cơ hội kêu gọi và tập hợp sức mạnh của cả cộng đồng sản xuất và xuất khẩu gia vị Việt Nam thay vì chỉ dừng lại ở phạm vi nhỏ hẹp cho riêng ngành hồ tiêu, mà sẽ đại diện cho tiếng nói chung của cả cộng đồng doanh nghiệp gia vị đông đảo để giải quyết những khó khăn hiện nay của các doanh nghiệp, kể cả trên phạm vi quốc tế. Đồng thời sẽ giúp khắc phục những hạn chế do sự hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, rời rạc.
"Việc đổi tên sẽ giúp quy tụ thêm rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành gia vị, ước tính cả nước có khoảng 400 doanh nghiệp, sẽ giúp xây dựng cộng đồng gia vị mạnh mẽ, có vị thế, với quy mô tổng diện tích các loại cây gia vị ước đạt 500.000ha với hàng trăm ngàn hộ nông dân nhỏ lẻ tham gia trong chuỗi cung ứng...
Và là bệ đỡ, là nền móng cho ngành gia vị phát triển bền vững, là cầu nối giữa sản xuất và xuất khẩu, giữa nông dẫn với doanh nghiệp, là cánh tay liên kết nối dài cho Chính phủ, Bộ ngành để hiện thực hóa thành công chiến lược và tầm nhìn phát triển cây gia vị trong những năm tới', bà Liên khẳng định.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT. Ảnh: Nguyễn Thủy.
Thay mặt lãnh đạo Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt đánh giá cao sự cống hiến, đóng góp của Hiệp hội đối với ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành trồng trọt.
“Hiệp hội hồ tiêu là một hiệp hội khá mạnh, hoạt động khá hiệu quả, tuy nhiên vai trò thể hiện để cho xã hội biết đến Hiệp hội vẫn còn hạn chế.
Việc đổi tên không chỉ đơn giản là thay đổi danh xưng mà đây còn là một sự thay đổi về nhận thức, tư duy của một ngành hàng. Hiệp hội cần phát huy hơn nữa vai trò của mình, phải thực sự là cầu nối của các doanh nghiệp thành viên, người nông dân, các cơ quan quản lý nhà nước để thúc đẩy ngành hồ tiêu, gia vị phát triển tương xứng với tiềm năng.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng cần có những đề xuất đối với những cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn như Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, có những đề xuất về cơ chế chính sách cho ngành, đồng thời có những phản biện về mặt chính sách trong quá trình xây dựng được cơ chế chính sách liên quan đến ngành", ông Nguyễn Như Cường nói.

Mục tiêu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu 2 tỷ USD

Nói về định hướng hoạt động của Hiệp hội hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam trong thời gian tới, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội cho biết, hiệp hội sẽ đi theo hướng phát triển bền vững ngành hồ tiêu và gia vị, với mục tiêu để Việt Nam trở thành điểm đến được chọn lựa đầu tiên trong chuỗi cung cấp gia vị toàn cầu. Để làm được điều đó, Hiệp hội sẽ tập trung vào chiến lược đa dạng hóa ngành hàng, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm giá trị gia tăng trong cơ cấu sản phẩm hồ tiêu và gia vị.

Song song đó, Hiệp hội đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, canh tác bền vững tại các vùng nguyên liệu để chuỗi cung ứng ổn định, bền vững hơn và mang lại giá trị kinh tế lớn hơn cho ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam.

Mục tiêu là đến năm 2025 tăng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành gia vị lên khoảng trên dưới 2 tỷ đô la Mỹ, với tổng sản lượng từ 400.000-500.000 tấn.

Nguồn: Nguyễn Thủy/Báo Nông nghiệp Việt Nam