I. Thị trường thế giới:

Bước sang tháng 5, thị trường toàn cầu tập trung vào diễn biến ở Việt Nam khi vụ thụ hoạch tiêu đã gần như kết thúc. Tuy nhiên, không có áp lực bán ra được báo cáo, giá vẫn tương đối ổn định ở các nước sản xuất. Indonesia vẫn chưa tiết lộ thông tin gì về vụ thu hoạch mới dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 7-8/2016. Theo một số nguồn tin tại Lampung, Bangka và Kalimantan, tổng sản lượng hạt tiêu từ vụ thu hoạch năm nay tại Indonesia sẽ thấp hơn đáng kể do thời tiết bất lợi trong thời gian cuối năm 2015.
Một xu hướng ngày càng tăng của giá tiêu, đặc biệt là đối với tiêu đen ở Ấn Độ, Việt Nam và Sri Lanka đã cho thấy rõ ràng trong những ngày qua. Tại Indonesia và Malaysia giá tương đối ổn định. Tuy nhiên, tính theo đồng USD tại thị trường địa phương, giá giảm do sự suy yếu của đồng nội tệ so với USD.
Tại Ấn Độ giá tiêu giao ngay trong tháng 5/2016 tiếp tục tăng được hỗ trợ bởi sức mua tốt trong bối cảnh nguồn cung thắt chặt vì nông dân tiếp tục bán hàng chậm lại. Các hoạt động thương mại vẫn hạn chế do tâm lý chờ đợi nguồn cung nhập khẩu từ Việt Nam và Sri Lanka.
Nông dân trồng tiêu cho rằng nguồn cung sắp tới sẽ còn bị thắt chặt vì khô hạn đang xảy ra trên diện rộng ở các nước trồng tiêu chính đe dọa năng suất và sản lượng vụ tới.
Hôm 20/5, giá hạt tiêu giao ngay tăng thêm 1.400 Rupi so với tháng trước lên mức 69.700 Rupi/tạ cho loại tiêu xô (tương đương 10.446 USD/tấn) và 72.700 Rupi/tạ cho loại tiêu đã sơ chế (tương đương 10.896 USD/tấn).
Trên sàn Hiệp hội Gia vị IPSTA, hợp đồng kỳ hạn tháng 6, tháng 7 và tháng 8/2016 mứcở 71.000 Rupi/tạ (tương đương 10.641 USD/tấn), 70.000 Rupi/tạ (tương đương 10.491 USD/tấn), và 69.000 Rupi/tạ (tương đương 10.341 USD/tấn).
Giá tiêu đặc chủng MG1 Ấn Độ xuất khẩu giảm 200 USD so với tháng trước xuống 10.800 USD/tấn (c&f) cho hàng giao châu Âu và 11.050 USD/tấn (c&f) cho hàng xuất đi Mỹ.

II. Thị trường trong nước:
Hiện tại, cả nước đã cơ bản thu hoạch xong vụ hồ tiêu năm 2016. Trong tháng 4, 5 thị trường hồ tiêu bắt đầu sôi động do có biến động mạnh về giá. Nếu trong tháng 2, 3 giá hồ tiêu chỉ khoảng 130.000 – 140.000 đồng/kg thì sang tháng 5 giá đã tăng vọt lên 160.000 đồng/kg và tiếp tục tăng dần đều đến nay xấp xỉ 180.000 đồng/kg. Giá tiêu tăng mạnh được tác động tác động bởi tình hình hạn hán nghiêm trọng ở Tây nguyên và Nam Bộ.
Giá tiêu của Việt Nam trên thị trường thế giới trong tháng 5 này cũng tăng nhẹ trở lại từ 3 – 5% so với tháng 3. Hiện giá tiêu đen xuất khẩu trên 8.000 USD/tấn và tiêu trắng là 11.550 USD/tấn.
Theo báo cáo của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, xuất khẩu trong tháng 4/2016 đạt 24.336 tấn tiêu các loại, với giá trị kim ngạch 186,42 triệu USD, tăng 0,8 % về lượng và giảm 2,9 % về giá trị so với tháng trước nhưng tăng 25,0 % về lượng và tăng 10,2 % về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá tiêu xuất khẩu bình quân trong tháng đạt 7.660 USD/tấn, giảm 3,55 % so với giá xuất khẩu bình quân của tháng 3/2016. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu 68.556 tấn tiêu các loại, với tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 556 triệu USD.

III. Nhận định và dự báo:
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 5 năm 2016 ước đạt 19 nghìn tấn, với giá trị đạt 71 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 5 tháng đầu năm 2016 đạt 87 nghìn tấn và 627 triệu USD, tăng 19% về khối lượng nhưng giảm 7,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá tiêu xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2016 đạt 8.110 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016 là Hoa Kỳ, Ấn Độ, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và Đức với 44,39% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Hoa Kỳ (20,82%), Ấn Độ (25,41%), Đức (63,09%), Pakixtan (gấp 2,92 lần), Philippin (gấp 2,57 lần) và Hàn Quốc (20,45%).
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm nay dự báo tiếp tục sẽ là một năm ngành Hồ tiêu gặp nhiều thuận lợi về cả giá và sản lượng. Tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng hiện nay ngành Hồ tiêu có thể gặp khó khăn về dài hạn do tăng trưởng nóng, mất kiểm soát.
Theo VPA, ngành Hồ tiêu đang trong giai đoạn tăng trưởng nóng. Diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam không ngừng được mở rộng, trung bình từ 10 – 20% mỗi năm. Sự tăng trưởng này dẫn đến nhiều rủi ro về giống, kỹ thuật, điều kiện tự nhiên…, bên cạnh đó giá tiêu đang duy trì ở mức cao từ năm 2014 đến nay làm cho nông dân càng lạm dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong việc chăm sóc nhằm tăng năng xuất. Chính vì vậy mà chất lượng hồ tiêu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính.
Hiện nay Việt Nam chiếm 32% thị phần hồ tiêu thế giới. Nước xếp thứ 2 là Ấn Độ chỉ khoảng 18% (đặc điểm tiêu dùng nội địa là chính). Tiếp theo là Indonesia 16%. Tuy nhiên Việt Nam vẫn phải nhập hồ tiêu chất lượng cao về để xuất vào thị trường Nhật, mặt khác sản phẩm của Việt Nam vào châu Âu cũng rất ít so với các nước khác. Thậm chí theo ông Đỗ Hà Nam, các Hiệp hội Gia vị châu Âu, Mỹ, Canada đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo về dư lượng thuốc BVTV trong hồ tiêu Việt Nam ngày một tăng. “Hồ tiêu đang đứng trước nguy cơ lớn, cần được ngành Nông nghiệp quyết liệt xử lý, nếu không thời gian tới ngành Hồ tiêu sẽ không thể phát triển”, ông Nam kiến nghị.

Nguồn: Nghenong.com