Thị trường đang chờ đợi số liệu bán hàng ròng của Mỹ trong báo cáo Export Sales hàng tuần sẽ phát hành vào tối nay. Hãng tin Reuters mới đây đưa ra dự đoán doanh số bán hàng đậu tương Mỹ niên vụ 2022/23 trong tuần kết thúc vào ngày 24/08 nằm trong khoảng 50.000 – 300.000 tấn và bán hàng niên vụ 2023/24 sẽ dao động từ 600.000 – 1.400.000 tấn. Lũy kế bán hàng đậu tương niên vụ 2022/23 đến tuần kết thúc ngày 17/08 đã đạt 53,47 triệu tấn. Như vậy, trong 2 tuần còn lại, mỗi tuần doanh số bán hàng cần đạt khoảng 210.000 tấn để đạt mục tiêu xuất khẩu do USDA đề ra là 53,89 triệu tấn. Tính trung bình trong 3 tuần gần nhất, bán hàng đậu tương niên vụ 22/23 đạt khoảng 288.000 tấn. Do vậy, chúng tôi đánh giá với tốc độ bán hàng hiện tại, nhiều khả năng Mỹ sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu đậu tương của năm nay. Hơn nữa, nếu số liệu trong báo tối nay vượt trên mức mục tiêu 300.000 tấn thì đây sẽ là yếu tố hỗ trợ mạnh cho giá trong phiên tối.
Bên cạnh đó, yếu tố mùa vụ tại Mỹ vẫn là yếu tố thu hút sự quan tâm của thị trường ở thời điểm hiện tại. Triển vọng thời tiết kém khả quan sẽ tiếp tục hỗ trợ xu hướng tăng giá mặt hàng này trong ít nhất là một tuần tới. Hiện tại, báo cáo mới đây của USDA cho thấy độ ẩm tại các bang đang sản xuất chính ở Vành đai ngô như Iowa, Minnesota và Nebraska đã giảm ít nhất 50%, gây thách thức lớn đối với cây trồng đang trong giai đoạn phát triển quan trọng. Với tình hình này, khả năng cây trồng có thể hồi phục đáng kể là rất thấp do thiếu hụt lượng mưa.

Giá Arabica có thể có nhịp điều chỉnh kỹ thuật trước kháng cự cứng
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/08, giá cả 2 mặt hàng cà phê tiếp tục duy trì sắc xanh. Tồn kho cà phê xác lập kỷ lục thấp mới khi Arabica giảm mạnh về mức thấp nhất trong hơn 9 tháng, Robusta nối tiếp đà giảm về mức thấp kỷ lục từng được ghi nhận từ năm 2016. Điều này khiến thị trường trở nên lo ngại về khả năng đảm bảo đủ nguồn cung của cả 2 mặt hàng cà phê.
Tồn kho cà phê Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE vẫn nối tiếp đà giảm mạnh sang phiên thứ 2 liên tiếp. Trong báo cáo hàng ngày khi kết phiên 30/08, tổng lượng cà phê Arabica lưu trữ tại các kho của đơn vị này chỉ còn 490.739 bao loại 60kg, giảm thêm 10.192 bao so với phiên trước đó. Như vậy, tồn kho Arabica đã ở mức thấp nhất kể từ giữa tháng 11/2022. Tồn khi cà phê càng giảm sẽ càng gia tăng lo ngại về việc nguồn cung hiện tại không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, từ đó tạo nên những tác động “bullish” đến giá.
Tuy nhiên, sự lo ngại về nguồn cung cũng phần nào bị hạn chế bởi những số liệu tích cực trong hoạt động xuất khẩu cà phê tháng 08 tại Brazil.
Theo thống kê sơ bộ từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), tổng lượng cà phê xuất khẩu tính đến hết ngày 30/08 của Brazil đã đạt 3,59 triệu bao loại 60kg, cao hơn mức 2,84 triệu bao vận chuyển ra quốc tế trong cả tháng 08/2022. Xuất khẩu tăng tập trung chủ yếu ở 2 dòng Arabica dạng hạt và Robusta dạng hạt.

Giá kim loại quý có thể được hưởng lợi trước các dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ
Thị trường kim loại quý tiếp tục chịu sức ép trong phiên sáng trước đà tăng của đồng USD khiến cho chi phí nắm giữ trở nên đắt đỏ hơn so với các đồng tiền thương mại khác.
Dữ liệu chính thức từ Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) vừa công bố chiều nay cho thấy, doanh số bán lẻ của Đức trong tháng 7 giảm 0,8% so với tháng trước, trái ngược hoàn toàn với mức dự báo tăng 0,3% của giới phân tích. Trên cơ sở hàng năm, doanh số bán lẻ của Đức trong tháng 7 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái, suy yếu đáng kể so với mức dự báo giảm 1,0% của thị trường.
Điều này cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất Châu Âu vẫn đang bị đè nặng bởi chính sách tiền tệ thắt chặt của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Trong môi trường lãi suất cao, chi phí đi vay tăng lên làm giảm nhu cầu tiêu dùng của người dân do lo ngại về khả năng chi trả, khiến doanh số bán lẻ bị sụt giảm. Đồng Euro suy yếu trước thông tin này, hỗ trợ đà tăng của chỉ số DXY, khiến giá kim loại quý gặp áp lực.
Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của khu vực đồng Euro (Eurozone) công bố vào chiều nay cũng có thể sẽ ảnh hưởng đến xu hướng biến động của đồng USD. Nếu dữ liệu thực tế hạ nhiệt đúng như dự báo, đồng Euro có thể sẽ gặp áp lực, thúc đẩy đà tăng của đồng USD.
Tuy nhiên, thị trường vẫn đang hướng tâm điểm chú ý đến 2 dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ vào tối nay là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi và số đơn đề nghị trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 25/08.
Các dữ liệu gần đây đều cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hạ nhiệt và thị trường lao động suy yếu. Chẳng hạn như dữ liệu cơ hội việc làm của JOLTS và thay đổi việc làm phi nông nghiệp ADP đều giảm mạnh so với dự báo, trong khi tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và PCE lõi sơ bộ của Mỹ trong quý II đều được đã điều chỉnh giảm so với báo cáo trước. Do vậy, nhiều khả năng các dữ liệu tối nay có thể sẽ hạ nhiệt, làm gia tăng kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm ngừng tăng lãi suất. Đồng USD có thể sẽ gặp áp lực, hỗ trợ giá kim loại quý.

Giá dầu có thể biến động thận trọng trước báo cáo lao động Mỹ
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 10,6 triệu thùng trong tuần trước xuống 422,9 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự kiến của Reuters ở mức 3,3 triệu thùng. Số liệu cho thấy nhu cầu tăng lên đang hỗ trợ giá dầu phục hồi cao hơn.
Về nguồn cung, một thông tin cho thấy Nga đang có ý định gia hạn cắt giảm sản lượng dầu xuất khẩu sang tháng 10. Điều này làm tăng các mối lo của thị trường về nguồn cung thu hẹp, dù đang chuẩn bị bước vào mùa đông.
Bên cạnh đó, dữ liệu thứ hai về GDP quý II của Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA) cho thấy nền kinh tế tăng trưởng 2,1%, thấp hơn kỳ vọng. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 11/8 trong khi đồng USD xuống mức thấp nhất trong hai tuần sau dữ liệu.
Điều này cho thấy kinh tế Mỹ đang giảm tốc và khiến đồng USD hạ nhiệt trong bối cảnh thị trường đang kỳ vọng vào khả năng FED giữ nguyên lãi suất trong tháng 9.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, đặt cược vào việc Fed giữ nguyên lãi suất trong tháng 9 đã tăng lên gần 91%, từ mức 88,5% trước khi có dữ liệu, trong khi đặt cược về việc tạm dừng vào tháng 11 đã tăng lên gần 59% từ mức 52% một ngày trước đó.
Các nhà đầu tư đang chờ đợi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng các nhân (PCE), dự kiến được công bố vào thứ Năm (31/8) và báo cáo bảng lương phi nông nghiệp (NFP) vào thứ Sáu (1/9). Đây sẽ là manh mối quan trọng để thị trường đánh giá chính sách tiền tệ của FED.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)