Gần 3 tháng kể từ khi thị trường dầu thô thế giới thiết lập mức 100 USD/thùng, giá dầu vẫn đang dao động xung quanh vùng giá này, bất chấp các thông tin cơ bản chỉ ra rằng giá vẫn còn động lực để thiết lập đà tăng. Vậy đâu là những yếu tố quyết định hướng đi của thị trường thời điểm tới?
Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá dầu WTI tăng 0,51% lên 110,33 USD/thùng trong khi giá dầu Brent tăng 0,39% lên 111,12 USD/thùng. Chỉ số MXV-Index Năng lượng, thể hiện sự biến động của các mặt hàng trong nhóm này, tăng 0.96% lên mức 1923 điểm. Mặc dù dao động không nhiều trong ngày hôm qua, nhưng nếu so với đầu năm, giá WTI đã tăng 46%. Mức giá hiện tại của dầu WTI chỉ thấp hơn mức đỉnh 147 USD/thùng trong năm 2014.

Dầu thô chịu tác động chung của thị trường thế giới
Dưới tác động của dịch Covid-19, các ngân hàng trung ương thế giới đã phải tiến hành nới lỏng định lượng để hỗ trợ nền kinh tế trong hơn 2 năm qua. Theo ước tính của The Economist, tổng kích thích tài khóa cho đến hết năm rơi vào khoảng 11.000 tỷ USD, tương đương khoảng 10% GDP toàn cầu. Bên cạnh đó các ngân hàng trung ương cũng đồng loạt cắt giảm lãi suất.
Một mặt, các biện pháp này thực sự đã giúp cho nền kinh tế thế giới nhanh chóng phục hồi bất chấp một thời gian dài phải tiến hành đóng cửa các hoạt động sản xuất, vận tải, du lịch,… Mặt khác, việc tăng cường sức mua của người tiêu dùng suốt một thời gian dài trong khi chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn lại gây ra sức ép lạm phát lớn, đặc biệt lạm phát của Mỹ đang ở đỉnh 40 năm.

Vì vậy, mặc dù đã chấm dứt các gói trợ cấp, hiện các ngân hàng trung ương đang phải gấp rút tiến hành tăng lãi suất trở lại để hạn chế lạm phát. Mới đây nhất, Ngân hàng trung ương châu Âu ECB cho biết sẽ tiến hành đưa lãi suất cao hơn mức 0% kể từ tháng 9, trong khi biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sáng nay cho thấy quan chức Fed cũng sẵn sàng tăng lãi suất trong các cuộc họp tiếp theo.
Mặc dù đây là chính sách cần thiết, tuy nhiên việc tăng lãi suất lần này lại tạo ra lo ngại rằng nếu tiến hành quá nhanh chóng sẽ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái, do gia tăng chi phí lãi vay cho doanh nghiệp trong khi sức mua của người tiêu dùng đã có dấu hiệu sụt giảm sau một thời gian dài giá cả hàng hóa leo thang. Các nhà đầu tư quay trở lại nắm giữ tiền mặt để tránh rủi ro, gây sức ép lên các tài sản tài chính như dầu thô. Chỉ số Dollar Index hiện ở mức 102, sát vùng đỉnh 2 năm.

Cán cân cung – cầu tiếp tục nghiêng về một bên
Đối lập với các yếu tố tiêu cực ở môi trường vĩ mô, về cơ bản, thị trường dầu vẫn còn có những điểm sáng để tạo động lực cho đà tăng. Trên hết là việc Các nước thuộc Liên minh châu Âu EU kỳ vọng sẽ đạt được một lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga trong cuối tháng 05/2022. Châu Âu là khách hàng lớn của Nga, nên nếu lệnh cấm vận được thiết lập có thể làm sản lượng dầu của Nga sụt giảm đến 3 triệu thùng/ngày, do nước này khó có thể chuyển hướng sang bán hàng ngay lập tức cho các khách hàng ở châu Á.
Các lệnh cấm vận về tài chính khiến cho các doanh nghiệp dầu khí Nga và các khách hàng mới gặp khó khăn trong việc mua bảo hiểm cho các chuyến tàu, cũng như các phức tạp trong khâu thanh toán. Theo ước tính của Bloomberg, có thể mất đến 40 ngày để chuyển dầu từ Nga sang Trung Quốc. Quãng đường dài như vậy đòi hỏi Nga phải có một đội tàu chuyên chở dầu lớn mới có thể chuyển hướng 3 triệu thùng dầu/ngày. Còn với năng lực vận chuyển hiện tại, mặc dù với mức giảm giá khoảng 30 USD/thùng, các khách hàng châu Á cũng khó có thể tận dụng để mua nhiều dầu từ Nga.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ có khả năng sẽ tăng dần lên, khi nước Mỹ sắp bước vào mùa lái xe cuối tháng này, và Trung Quốc kỳ vọng sẽ bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp quản lý dịch nghiêm ngặt ở Thượng Hải trong đầu tháng 6. Trong báo cáo dầu mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA, tổ chức này đã cắt giảm dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc ở mức 35.000 thùng/ngày dưới tác động của các biện pháp phong tỏa. Một số ngân hàng đầu tư khác thậm chí còn cho rằng mức giảm thực tế còn có thể nhiều hơn, ở khoảng 200.000 thùng/ngày. Do đó, nếu thành phố lớn như Thượng Hải được mở cửa, sẽ là tín hiệu tốt đối với thị trường dầu. Bên cạnh đó, đây cũng là dấu hiệu cho thấy sức khỏe của nền kinh tế thứ 2 thế giới có thể bắt đầu hồi phục. Mặc dù mục tiêu tăng trưởng của Trung Quốc ở mức 4,5% trong năm 2022 khó có thể đạt được, tuy vậy vẫn có thể kỳ vọng vào sự phục hồi mạnh mẽ của quốc gia này nếu thành công trong việc kiểm soát dịch.
Như vậy, có thể thấy mặc dù trong ngắn hạn, dầu thô chịu sức ép từ môi trường vĩ mô chung, nhưng với các yếu tố cơ bản của thị trường hiện tại, khả năng cao giá vẫn còn động lực để tăng.
Hồng Hoa
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV