Thuốc lá là một trong những nguyên nhân của nhiều loại bệnh tật nguy hiểm đối với con người. Khoa học đã chứng minh, trong khói thuốc lá có hơn 7.000 loại hóa chất trong khói thuốc lá, trong đó có 69 chất độc hại, có nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch, tăng huyết áp; các bệnh hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, các loại bệnh ung thư hầu họng, thanh quản, phế quản và phổi; các bệnh răng miệng, hoại tử các đầu chi, mù mắt, suy giảm sức khỏe sinh sản, giảm tuổi thọ…Vì vậy, chúng ta phải tăng cường việc thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và xây dựng môi trường không khói thuốc lá ở gia đình, nơi công cộng và các cơ sở làm việc, nhằm bảo vệ sức khỏe chung cho mọi người.
Bắc Kạn: Triển khai nhiều hoạt động vì môi trường không khói thuốc
Mới đây, Sở Y tế Bắc Kạn cho biết đã xây dựng và tổ chức 7 lớp tập huấn cho các đối tượng là cán bộ y tế, giáo viên, cán bộ tham gia công tác kiểm tra thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, nông dân vùng trồng cây thuốc lá tại các địa phương với các nội dung về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản hướng dẫn, kỹ năng tư vấn cai nghiện thuốc lá.
Đồng thời, Sở cũng sẽ tổ chức 10 lớp truyền thông trực tiếp tại các cơ quan, trường học, xã, phường, thôn, bản với các đối tượng là cán bộ, viên chức, học sinh, đoàn viên thanh niên, người dân tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về tác hại thuốc lá và việc thực hiện các quy định phòng, chống tác hại của thuốc lá. Cùng với đó là tổ chức giao lưu truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá cho người dân, đoàn viên thanh niên tại các xã, phường.
Ngoài ra, Bắc Kạn cũng sẽ tăng cường các hoạt động giám sát, hỗ trợ, đánh giá thực hiện chương trình phòng, chống tác hại thuốc lá tại các cơ quan, trường học, bệnh viện... trên địa bàn tỉnh, qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại thuốc lá tại địa phương trong năm 2021 đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Thừa Thiên Huế: Tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới
Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành văn bản số 3259/UBND-VH chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, ngăn ngừa sử dụng các sản phầm thuốc lá mới. Theo đó, Sở Y tế Thừa Thiên Huế sẽ mở rộng tuyên truyền đến người dân về tác hại của thuốc lá điếu truyền thống và thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha; Sở Giáo dục và Đào tạo, ngoài việc hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn tuyên truyền còn phải tăng cường kiểm tra, giám sát và có biện pháp phát hiện, ngăn chặn kịp thời việc sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh, sinh viên; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thừa Thiên Huế phải thường xuyên đăng tải các thông tin về tác hại thuốc lá và thuốc lá mới; Sở Công thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp mua, bán, kinh doanh sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha trên địa bàn tỉnh.
Thái Bình: Tăng cường giám sát thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá
Từ cuối tháng 9/2021, tỉnh Thái Bình đã thành lập 04 Đoàn kiểm tra, giám sát liên ngành, chia thành 2 đợt đi kiểm tra, giám sát tại 160 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn 8 huyện, thành phố.
Theo đó, Đoàn Kiểm tra, giám sát liên ngành tập trung kiểm tra các nội dung: Kế hoạch hoạt động Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL); việc kiện toàn và phân công nhiệm vụ của Ban chỉ đạo; việc tuyên truyền và thực hiện các văn bản chỉ đạo thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; các biện pháp của địa phương, đơn vị trong việc xây dựng “Môi trường không khói thuốc”; nội dung thực hiện PCTHTL tại Kế hoạch của địa phương, đơn vị và tại Quy ước, Hương ước của thôn, tổ... Các đoàn còn kiểm tra thực tế tại khuôn viên của UBND các xã, phường, thị trấn và đơn vị cơ sở về việc treo biển “Cấm hút thuốc lá”, niêm yết panô, áp phích PCTHTL…
Đánh giá sơ bộ kết quả kiểm tra, giám sát công tác PCTHTL tại tỉnh Thái Bình cho thấy hầu hết các địa phương, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, kiện toàn Ban Chỉ đạo PCTHTL; tổ chức ký cam kết, đưa vào đánh giá thi đua; tích cực tuyên truyền trên loa truyền thanh xã, lồng ghép với các hội nghị của địa phương, ban, ngành, đoàn thể…; Tình trạng hút thuốc lá ở nơi làm việc và tình trạng thanh thiếu niên hút thuốc lá tại cộng đồng đã giảm đáng kể, nhận thức của người dân nâng lên rõ rệt, tỷ lệ người hút thuốc lá của tỉnh đã giảm.
Thời gian tới, để Luật PCTHTL thực sự đi vào cuộc sống, Ban Chỉ đạo PCTHTL tỉnh Thái Bình tiếp tục yêu cầu sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp Đảng, Chính quyền, sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị… nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu Kế hoạch PCTHTL tỉnh Thái Bình năm 2021-2022 và xây dựng “Môi trường không khói thuốc lá” trên địa bàn tỉnh. 

Nguồn: VITIC tổng hợp