Tại Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á, do tác hại của thuốc lá mang lại nên hàng hóa thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với mức điều tiết rất cao. Tuy nhiên, ở Việt Nam mới chỉ áp dụng phương thức đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá theo tỷ lệ phần trăm và phương thức này đang bộc lộ nhiều hạn chế như không theo kịp tốc độ lạm phát, khuyến khích sự gia tăng thuốc lá giá rẻ hiện đang sẵn có trên thị trường, từ đó, gia tăng khả năng tiếp cận và hút thuốc lá đối với thanh thiếu niên và tăng tỷ lệ hút thuốc lá thụ động ở trẻ em. 
Tại khu vực Đông Nam Á: Indonesia đã áp thuế theo mức tuyệt đối (số thuế được thu theo một khoản thu cố định đối với tất cả các sản phẩm thuốc lá sản xuất trong nước và nhập khẩu theo đơn vị bao, điếu hoặc khối lượng gram, kilogram) đối với thuốc lá điện tử từ nhiều năm trước, do Indonesia là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới. Mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Indonesia áp dụng lên tới 57% đối với thành phần sử dụng trong thuốc lá điện tử. Động thái được xem là một phần của những nỗ lực kiềm chế tiêu thụ sản phẩm thuốc lá ở nước này. Được biết, thuế thuốc lá hiện đang chiếm phần lớn thuế tiêu thụ đặc biệt của Indonesia. Thông qua quy định mới này, mức doanh thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt của nước này dự kiến sẽ đạt 11,20 tỷ USD. Ngoài việc áp thuế thuốc lá điện tử, giới chức Indonesia cũng đang lên kế hoạch áp thuế với sản phẩm túi nhựa để bảo vệ môi trường.
Ngày 25/10/2022, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng đã thông báo sẽ áp thuế tiêu thụ đối với thuốc lá điện tử kể từ ngày 01/11/2022. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ áp thuế 36% đối với việc sản xuất và nhập khẩu thuốc lá điện tử, trong khi áp mức thuế 11% đối với hoạt động bán buôn mặt hàng này.
Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã siết chặt quản lý thuốc lá điện tử. Năm 2021, nước này đã sửa đổi luật độc quyền thuốc lá, theo đó đưa các sản phẩm thuốc lá điện tử vào danh mục quản lý tương tự các sản phẩm thuốc lá truyền thống. Theo luật sửa đổi, các công ty kinh doanh thuốc lá điện tử chỉ được phép bán sản phẩm thông qua các kênh được ủy quyền.
Thuốc lá vẫn là một trong những ngành mang lại nguồn thu lớn cho Trung Quốc, với doanh số bán thuốc lá đóng góp khoảng 5% doanh thu thuế của chính phủ trung ương mỗi năm. Các chuyên gia cho biết các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử đang trở thành giải pháp thay thế ở Trung Quốc. Hiện số lượng người từ bỏ thuốc lá điếu thông thường tăng lên vì sản phẩm này bị đánh thuế mạnh cũng như ngày càng nhiều người nhận thức được tác hại của thuốc lá điếu.
Trong khi đó, Campuchia sử dụng phương thức thu thuế theo tỷ lệ phần trăm giá trị sản phẩm tính trên giá bán lẻ hoặc giá xuất kho để tính thuế TTĐB với thuốc lá; tuy nhiên, mức thuế suất TTĐB đối với thuốc lá tại nước này tương đối thấp (từ 15% đến 30%).
Hội thảo “Thuế tiêu thụ đặc biệt - Hài hòa giữa điều tiết nguồn thu ngân sách nhà nước và phát triển sản xuất kinh doanh” do Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa mới tổ chức tại Hà Nội.
Tại hội thảo nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã ban hành và sửa đổi bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt một cách linh hoạt với mục tiêu định hướng sản xuất kinh doanh, hướng dẫn tiêu dùng, bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Nhưng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm hạn chế tiêu dùng thuốc lá là việc làm cần thiết. Đây là một trong những biện pháp khác cũng cần được thực hiện một cách đồng bộ như công tác tuyên truyền về tác hại thuốc lá; kiểm soát và hạn chế thuốc lá nhập lậu; thực hiện nghiêm việc phạt trực tiếp vào hành vi hút thuốc lá nơi công cộng...
Hiện, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam ở mức 35%, quá thấp so với khu vực và trên thế giới. WHO khuyến nghị điều chỉnh chính sách thuế đối với thuốc lá của Việt Nam để nâng tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ này lên mức khuyến nghị của WHO là 75%.

Nguồn: VITIC tổng hợp