Việt Nam là nước đang phát triển, đang từng bước hội nhập với thế giới. Trong quá trình giao thương, thương mại hóa tự do với các nước trên thế giới, thuốc lá thế hệ mới đang xâm nhập vào Việt Nam thông qua các hình thức như buôn lậu, xách tay. Do vậy, cần có khung pháp lý rõ ràng đối với mặt hàng này để bảo vệ người tiêu dùng.
Trong buổi toạ đàm “Nghiên cứu khoa học về giải pháp không khói để hỗ trợ quản lý thuốc lá” tổ chức tại Bộ Tư pháp ngày 1/8 vừa qua, vấn đề cấm hay quản thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng một lần nữa được đưa ra thảo luận.
Tại buổi tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội cho rằng Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá mới vì sức khoẻ con người, nhưng Quốc hội quyết định cấm hay không cấm, phải có đề xuất của Chính phủ với đầy đủ cơ sở pháp lý, khoa học, đánh giá tác động... Các bộ liên quan phải nghiên cứu về khoa học, thực tiễn, lúc đó mới trình lên Chính phủ.
Phó Vụ trưởng Vụ các vấn đề xã hội Văn phòng Quốc hội - cũng đưa ra ý kiến: Thuốc lá loại nào cũng có hại cho sức khoẻ cộng đồng, nhưng luật cũng khuyến khích xây dựng môi trường không khói thuốc, tránh cho người hút lẫn người hút thuốc bị động.
Bộ Y tế cần đánh giá toàn diện thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng dưới góc độ khoa học, xem xét đầy đủ tác hại của sản phẩm này so với thuốc lá điếu. Ngoài ra cần có cơ sở khoa học để có căn cứ quy định cấm hoặc quản lý như thuốc lá điếu. Nhiều nước có trình độ khoa học công nghệ cao đang thực hiện các nghiên cứu độc lập để kiểm chứng những công bố về thuốc lá nung nóng, thuốc lá điện tử để đưa ra hướng quản lý phù hợp, hiệu quả.
Theo khảo sát lứa tuổi học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 17 tuổi tại 11 tỉnh, thành phố thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử liên tục tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023. Trong đó nhóm tuổi từ 13 đến 15 tuổi tăng hơn gấp đôi từ 3,5% năm 2022 lên 8% năm 2023. Việc quản lý thuốc lá mới hiện còn hạn chế do chưa có quan điểm thống nhất, các nhà quản lý chưa được tiếp cận các căn cứ khoa học đáng tin cậy.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, hút thuốc lá khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại hơn một nghìn tỷ USD mỗi năm về năng suất và chi phí chăm sóc sức khỏe. Trong khi ước tính lợi nhuận của ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc lá điện tử trên toàn cầu chỉ vào khoảng 7 tỷ USD mỗi năm thì nhiều nước phát triển đang phải chi một số tiền khổng lồ để giải quyết hậu quả mà thuốc lá thế hệ mới gây ra.
Theo báo cáo của WHO tháng 7/2021, đã có 184/193 quốc gia thành viên của tổ chức này quản lý thuốc lá làm nóng theo luật về kiểm soát thuốc lá hoặc phân thuốc lá làm nóng vào danh mục hàng hóa khác.
Nhiều quốc gia tỏ ra thận trọng với các sản phẩm thay thế thuốc lá là do lo ngại giới trẻ sẽ học đòi theo trào lưu này. Còn WHO thì nhấn mạnh việc chọn phương án nào cũng phải nằm trên thực tế tình hình của quốc gia đó.
Nếu loại trừ được các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, ít hoạt động thể lực và sử dụng rượu bia sẽ phòng được ít nhất 80% các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và hơn 40% các bệnh ung thư. Do vậy, việc thay đổi lối sống, thay đổi các hành vi nguy cơ để bảo vệ sức khỏe ngay từ bây giờ chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.