WHO cũng đã tiến hành đánh giá và cho biết, 194 quốc gia thành viên của WHO có khả năng đạt được mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá trong danh mục bệnh không lây nhiễm (NCD). WHO đã có kết quả phân tích xu hướng sử dụng thuốc lá ở 149 quốc gia, chiếm 94% dân số thế giới. Các quốc gia được chia thành các nhóm sau:
1. Nhóm có khả năng đạt được mức giảm tương đối 30%;
2. Nhóm có khả năng giảm tỷ lệ hiện mắc nhưng dưới 30%;
3. Nhóm không có khả năng xảy ra thay đổi đáng kể về tỷ lệ hiện mắc;
4. Nhóm có khả năng bị gia tăng tỷ lệ hiện mắc; hoặc không có đủ dữ liệu để tính toán xu hướng.
32 quốc gia trên thế giới được đánh giá là có khả năng đạt được mức giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá tương đối ít nhất là 30% vào năm 2025, nếu như các quốc gia này tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát thuốc lá với tốc độ như hiện tại.
Nhìn chung, các quốc gia được dự báo sẽ đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ sử dụng thuốc lá đạt mức trung bình trên toàn cầu là 20,9% vào năm 2025, tương đương với mức giảm 23,4% so với tỷ lệ cơ sở năm 2010 là 27,3% - trong khi để đạt được mức giảm 30% thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá trung bình trên toàn cầu phải giảm xuống mức 19,1% vào năm 2025.
Châu Mỹ dự báo sẽ là khu vực đạt được thành tựu lớn nhất trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc lá với mức giảm tương đối là 35%, từ 20,1% năm 2010 xuống còn 13,1% vào năm 2025.
Trong khi đó khu vực đông Địa Trung Hải dự báo chỉ đạt mức giảm tương đối là 11% vào năm 2025.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá của nam giới khu vực châu Mỹ cũng được dự báo có khả năng giảm mạnh nhất với mức giảm tương đối đạt 33%, đưa tỷ lệ hút thuốc trung bình giảm từ 25,3% năm 2010 xuống mức dự kiến 17,0% vào năm 2025. Trong khi tỷ lệ sử dụng thuốc lá của nam giới ở các khu vực đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á, được dự báo sẽ chỉ đạt được mức giảm tương đối 6% -7% trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2025.
Đối với phụ nữ, tỷ lệ sử dụng thuốc lá tương đối ở tất cả các khu vực trên thế giới dự kiến sẽ giảm hơn 30% ngoại trừ khu vực Châu Âu, có khả năng chỉ giảm được 11% xuống còn 18,0% vào năm 2025 so với mức 20,2% trong năm 2010, trừ khi khu vực này thực hiện các hành động khẩn cấp.
Số người hút thuốc lá trên thế giới vào năm 2000 là 1,1 tỷ người và được dự báo sẽ duy trì ở mức khoảng 1,1 tỷ người cho đến ít nhất là năm 2025. Con số này đã ngừng tăng vào khoảng năm 2005 và đang có xu hướng giảm dần, nhưng mức giảm còn quá nhỏ khi làm tròn đến hàng tỷ, do ảnh hưởng của sự gia tăng dân số.
Chỉ có ba khu vực của WHO hiện đang có sự sụt giảm về số lượng người hút thuốc, đó là : Châu Mỹ, Châu Âu và khu vực Tây Thái Bình Dương. Số người hút thuốc đang tiếp tục tăng ở các khu vực Châu Phi, Đông Địa Trung Hải và Đông Nam Á.

K.C (Theo WHO)

 

Nguồn: VITIC