Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong cuộc chiến chống tác hại của thuốc lá trong khoảng một thập kỷ qua. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là nước có tỷ lệ hút thuốc cao với hơn 15 triệu người, việc sử dụng thuốc lá đang gây ra gánh nặng đáng kể về bệnh tật, tử vong sớm và các chi phí y tế. Thiệt hại kinh tế do thuốc lá ước tính lên tới 108 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương đương với 1,14% GDP. Nhưng những tổn thất này hoàn toàn có thể giải quyết được khi biện pháp tăng thuế và tăng giá thuốc lá sớm được thực thi.
Việc tăng thuế và giá thuốc lá là một quyết định để giảm bệnh tật, tử vong và làm cho chính sách thuế thuốc lá phù hợp với các mục tiêu về sức khỏe và thịnh vượng của Việt Nam, cũng như phù hợp với các quy định quốc tế về giảm tác hại của thuốc lá.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố bản Tư vấn chính sách với tiêu đề: “Cải cách thuế thuốc lá để nâng cao sức khỏe và Phát triển Bền vững tại Việt Nam”. Tài liệu này trình bày về mức thuế cần thiết để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới từ 41,1% xuống còn dưới 36% vào năm 2030, như đã được đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030.
Việc tăng mức thuế và giá thuốc là là biện pháp hiệu quả nhất để giúp giảm tỷ lệ hút thuốc. Việc tăng thuế thuốc là sẽ đóng vai trò như một “tín hiệu giá” khi chúng ta tăng giá thuốc lá, người hút thuốc sẽ nhận thấy họ nên tiêu thụ ít hơn hoặc bỏ thuốc. Việc sử dụng thuế thuốc lá như một đòn bẩy cũng là một biện pháp được nêu cụ thể trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá, một hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã phê chuẩn.
Những người trẻ tuổi là nhóm nhạy cảm nhất với việc tăng giá đây là lý do rất chính đáng cho việc tăng thuế thuốc lá. Chúng ta cần làm mọi cách có thể để bảo vệ người trẻ tuổi khỏi các sản phẩm thuốc lá hoặc bất kỳ sản phẩm nào có chứa nicotine. Việc không sử dụng các sản phẩm thuốc lá khi còn trẻ giống như được tiêm một loại vaccine bảo vệ suốt đời, bởi một người ít có khả năng bắt đầu sử dụng thuốc lá khi họ lớn tuổi hơn.
Để giúp các quốc gia đưa ra quyết định sáng suốt về thuế thuốc lá, WHO đã phát triển một mô hình mô phỏng tác động của thuế thuốc lá có tên là TaXSim. Mô hình này dự đoán các thay đổi về giá cả, mức tiêu thụ, mục tiêu sức khỏe và ngân sách nhà nước khi tăng thuế thuốc lá. Các chuyên gia của WHO sử dụng mô hình TaXSim để phân tích hai phương án tăng thuế đã được Bộ Tài chính công bố. Theo đó, cả hai phương án đề xuất đã được công bố lấy ý kiến đều là những bước đi đúng hướng vì chúng sẽ dẫn đến giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về sức khỏe cũng như kinh tế của Việt Nam, mức thuế cần phải cao hơn. Mô hình TaXSim cho thấy việc tăng thuế theo lộ trình để áp thêm vào mức thuế trên giá xuất xưởng hiện nay, sẽ giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới xuống còn 35,8%, mức mà sẽ đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia. Các mục tiêu về kiểm soát thuốc lá và kinh tế có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, bởi khi có ít người tử vong do sử dụng thuốc lá hơn, chúng ta sẽ có một lực lượng lao động khỏe mạnh hơn, năng suất hơn.
Phương án tăng thuế thuốc lá như trên sẽ làm tăng đáng kể doanh thu thuế hàng năm, ước tính sẽ tăng thêm khoảng 29,3 nghìn tỷ đồng mỗi năm vào năm 2030 so với năm 2020. Đây là một khuyến nghị rất mạnh mẽ của WHO bởi đây là một phương án vừa giảm gánh nặng bệnh tật và bảo vệ sức khỏe, vừa huy động được thêm nguồn thu ngân sách để đầu tư vào các ưu tiên phát triển bền vững mà Chính phủ đặt ra.
Việc áp dụng mức thuế thuốc lá cao hơn sẽ giúp bảo vệ sức khỏe của người dân, qua đó hỗ trợ Chính phủ đạt được tham vọng về một tương lai khoẻ mạnh hơn và thịnh vượng hơn.