Kết thúc phiên giao dịch hôm nay 18/8, chỉ số Shanghai Composite giảm 6,2%, đưa chỉ số này xuống dưới mốc 3.800 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 27/7. Chỉ số Shenzhen chủ yếu gồm các mã cổ phiếu ngành công nghệ chốt phiên cũng giảm 6,6%.
Cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp niêm yết trên sàn Thượng Hải trong đó có nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn đồng loạt giảm sàn 10%.
Đặc biệt, cổ phiếu của các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp có nợ bằng USD cao chịu sức ép những ngày gần đây sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) phá giá nhân dân tệ.
Hiện chưa rõ nguyên nhân gây ra làn sóng bán tháo hôm nay trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Trong vòng 12 tháng qua, Shanghai Composite giảm 67% khi nhà đầu tư ồ ạt rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc do lo ngại đà giảm tốc của nền kinh tế.
Để trấn an nhà đầu tư, cuối tuần qua, Công ty tài chính chứng khoán Trung Quốc (CFS) tuyên bố sẽ tiếp tục hoạt động trên thị trường chứng khoán trong vài năm nữa, thay vì sẽ rút khỏi thị trường ngay lúc này như đồn đoán. CFS được coi công cụ được chính quyền Trung Quốc nhằm ổn định thị trường chứng khoán. Công ty này được phép vay tới gần 500 tỷ USD từ các ngân hàng thương mại để mua lại cổ phiếu của các doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn chứng khoán Trung Quốc.
Trong khi đó, nhân dân tệ giảm gây sức ép lên cổ phiếu nhiều doanh nghiệp. Để hỗ trợ nhân dân tệ, PBOC hôm nay đã bơm 120 tỷ nhân dân tệ (18,8 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ thông qua đấu giá các hợp đồng mua lại đáo hạn 7 ngày trên thị trường mở. Đây là đợt bơm tiền lớn nhất kể từ tháng 1/2014.
Giới chuyên gia cho rằng, Trung Quốc có thể tiếp tục phải giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng khi thanh khoản bị thắt chặt do triển vọng nhân dân tệ suy yếu. "Càng can thiệp nhiều vào thị trường tiền tệ, thanh khoản thị trường càng bị thắt chặt. Nếu PBOC bơm quá nhiều tiền, thị trường sẽ lo ngại nhân dân tệ mất giá hơn nữa", Zhou Hao, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Commerzbank nhận định.
Minh Phương
Theo CNN Money