Phiên giao dịch ngày 20/8, các thị trường chứng khoán toàn cầu đồng loạt mất điểm mạnh.  Chỉ số MSCI toàn thế giới giảm 1,5% sau khi đã bắt đáy 7 tháng. Chứng khoán Mỹ chứng kiến một phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm 2014.

Cuối giờ sáng nay, chỉ số MSCI châu Á – Thái  Bình Dương giảm 2,1% xuống thấp nhất kể từ 2012 , trong khi chỉ số MSCI các thị trường mới nổi mất 1,4% sau khi giảm 14% kể từ đầu năm.

Sự hoảng loạn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán diễn ra khi thị trường tiến gần hơn đến thời điểm nhạy cảm – tháng 9 – thông thường là thời điểm tồi tệ nhất đối với chứng khoán.

Tâm lý hoảng loạn bắt nguồn từ lo ngại Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị nâng lãi suất khiến giá hàng hóa lao dốc, thêm vào đó là kinh tế Trung Quốc giảm tốc, nhân dân tệ bị phá giá mạnh kéo theo nguy cơ một cuộc chiến tranh tiền tệ trên quy mô toàn cầu. Kịch bản đó nếu xảy ra sẽ là tin xấu đối với thị trường chứng khoán.

Thực tế, các đồng tiền của thị trường mới nổi thời gian gần đây liên tục mất giá khiến nhà đầu tư liên tưởng đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á những năm 1990. Đồng rupiah của Indonesia và ringgit của Malaysia xuống thấp nhất 17 năm, baht Thái Lan thấp nhất 6 năm, trong khi đồng rand Nam Phi thấp nhất kể từ năm 2001, tenge của Kazakhstan thấp nhất trong lịch sử sau khi ngân hàng trung ương nước này thả nổi tỷ giá. Rúp Nga cũng giảm phiên thứ 8 liên tiếp, chạm đáy 6 tháng khi giá dầu xuống thấp nhất 6 năm rưỡi.

Do đó, nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng hơn và thị trường sẽ còn tiếp tục bị chi phối bởi những tín hiệu từ Fed và Trung Quốc. Biên bản họp tháng 7 công bố hôm qua của Fed cho thấy, các điều kiện nâng lãi suất đã cận kề tuy nhiên kinh tế Trung Quốc giảm tốc vẫn là mối lo ngại của Fed.
Minh Phương
Theo CNBC