Khối nợ nước ngoài lên đến 1,6 nghìn tỷ USD bằng USD và euro của doanh nghiêp châu Á (trừ Nhật Bản và Trung Quốc) đã tăng thêm 114 tỷ USD do nội tệ mất giá.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc liên tục hạ tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ trong 3 ngày qua khiến đồng tiền này mất giá mạnh nhất kể từ năm 1994. Động thái này cũng kéo theo làn sóng bán tháo các tiền tệ châu Á, khiến đồng rupiah của Indonesia, ringgit của Malaysia xuống thấp nhất kể từ khủng hoảng tài chính châu Á, baht Thái xuống thấp nhất 6 năm.

Nhân dân tệ mất giá đã tác động đến hầu hết các thị trường trái phiếu, khiến lợi suất trái phiếu Malaysia lên 171,5 điểm cơ bản, cao nhất kể từ tháng 10/2011. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu của Thái Lan, Indonesia và Việt Nam cũng thách thức ngưỡng cao nhất hơn 1 năm.

Theo Wai Hoong Leong, chuyên gia theo dõi đầu tư lợi suất cao tại châu Á thuộc Nikko Asset Management cho rằng, các doanh nghiệp Indonesia có vẻ như sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “Nếu nhìn vào các doanh nghiệp với trái phiếu lợi suất cao, các khoản nợ bằng USD là nguồn vay chính của họ”, chuyên gia này cho biết.

Tại Malaysia, đồng ringgit giảm 2,3% càng đáng lo ngại hơn khi tăng trưởng kinh tế quý 2 chậm nhất gần 2 năm. Các quỹ đầu tư nước ngoài đã bán ronggf khoảng 3 tỷ USD cổ phiếu Malaysia. Lợi suất trái phiếu công ty dầu khí quốc gia Malaysia Petroliam Nasional tăng 11 điểm cơ bản trong tuần này lên cao nhất kể từ tháng 3.

 “Chúng tôi đặc biệt lo ngại về Malaysia khi nội tệ nước này chịu thêm sức ép do nhân dân giảm giá”, Gordon Tsui, trưởng bộ phận đầu tư trái phiếu của Taikang Asset Management (Hong Kong) nhận đinh.
Minh Phương
Theo Bloomberg