Nguồn vốn bốc hơi khỏi các thị trường mới nổi có xu hướng tăng mạnh khi niềm tin nhà đầu tư vào các thị trường này suy giảm đặc biệt là khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất.
Theo số liệu tổng hợp của ngân hàng đầu tư NN Investment Partners, dòng vốn rút khỏi 19 thị trường mới nổi lớn nhất lên tới hơn 940 tỷ USD trong vòng 13 tháng kết thúc vào tháng 7 vừa qua. Con số này gần gấp đôi mức rút ròng 480 tỷ USD trong 3 quý thuộc giai đoạn khủng hoảng tài chính 2008-2009.
Điều này cho thấy dòng vốn đang chuyển hướng khỏi các thị trường mới nổi sau khi các thị trường này hút ròng khoảng 2.000 tỷ USD từ tháng 7/2009 đến cuối tháng 7/2014.
Dòng vốn chuyển hướng khi nhà đầu tư, doanh nghiệp và các định chế tài chính chuyển nguồn vốn ra nước ngoài, gây sức ép lên nội tệ.
Kinh tế giảm tốc, tiền tệ suy yếu đang làm giảm vị thế đầu tàu tăng trưởng của kinh tế toàn cầu của các thị trường mới nổi, kéo theo dòng vốn chuyển hướng. “Tiền của các thị trường mới nổi đang đối mặt với những cơn bão tồi tệ nhất. Nỗi lo tăng trưởng toàn cầu bắt nguồn từ việc kinh tế các thị trường mới nổi giảm tốc trong khi đà phục hồi của các nền kinh tế phát triển không đủ mạng để bù đắp sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác”, chiến lược gia Bernd Berg tại Société Générale nhận định.
Giới phân tích cho rằng, tốc độ bốc hơi nguồn vốn có thể nhanh hơn nữa sau khi Trung Quốc phá giá nhân dân tệ và những lo ngại xung quanh việc Fed nâng lãi suất. Thêm vào đó, giá hàng hóa giảm cũng làm giảm nguồn thu của các nước sản xuất hàng hóa.
Kỳ vọng Fed nâng lãi suất có thể từ tháng 9 tới kéo theo USD mạnh lên so với các đồng tiền thị trường mới nổi, trong khi đó lo ngại về kinh tế Trung Quốc, căng thẳng chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Malaysia đang hủy hoại niềm tin nhà đầu tư vào thị trường mới nổi.
Minh Phương
Theo FT