Đà mất giá của hàng hóa nguyên liệu khiến giá trị cổ phiếu của các doanh nghiệp khai khoáng, dầu khí bốc hơi 2,05 nghìn tỷ USD, tương đương GDP của Ấn Độ.
Giá hàng hóa giảm mạnh thời gian gần đây do tình trạng đầu tư quá mức dẫn đến dư thừa nguồn cung nghiêm trọng đặc biệt là khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc. Dẫn đầu đà mất giá là đường, dầu thô, nickel.
Các doanh nghiệp dầu khí đã phải cắt giảm chi tiêu 180 tỷ USD trong năm nay trong khi vẫn phải duy trì cổ tức, theo thống kê của công ty tư vấn Rystad Energy tại Na Uy.
“Tệ nhất là ngành năng lượng, đây có thể coi là thảm họa đối với các loại hàng hóa nguyên liệu”, chiến lược gia tại Công ty chứng khoán quốc gia ở New York nhận định.
USD mạnh lên cũng là một cú sốc đối với giá hàng hóa. Các đồng tiền của những nước xuất khẩu hàng hóa như Nga, Canada giảm mạnh, chi phí sản xuất giảm thúc đẩy sản xuất và càng khiến tình trạng dư thừa nguồn cung trầm trọng hơn.
Điều khiến thị trường lo ngại nữa là Trung Quốc phá giá nhân dân tệ sẽ khiến tình trạng dư thừa công suất ở "công xưởng thế giới" này tồi tệ hơn nữa. Nhân dân tệ suy yếu đồng nghĩa chi phí nhập nguyên liệu tăng khiến nguyên liệu sản xuất trong nước trở nên hấp dẫn hơn. Nói cách khác, với Trung Quốc điều đó có nghĩa họ sẽ thúc đẩy sản xuất nhôm, quặng, than đá.
Trung Quốc chiếm hơn 50 sản lượng nhôm toàn cầu và hơn 70% sản lượng than đá nhưng chỉ tiêu thụ 10% sản lượng quặng sắt.
Tất cả khoáng sản này ở Trung Quốc đều trong tình trạng dư thừa khiến giá xuống thấp nhất nhiều năm. Trong khi giá nhôm chạm đáy 6 năm thì giá than đá thấp nhất 12 năm.
Minh Phương
Theo Bloomberg