Ngân hàng trung ương Kazakhstan vừa thông báo chính thức bỏ bỏ biên độ giao dịch tỷ giá từ hôm nay 20/8 sau khi phá giá đồng tenge của nước này kỷ lục 19% hồi tháng 2 năm ngoái.

Điều này nghĩa là, Kazakhstan sẽ bắt đầu áp dụng cơ chế thả nổi tỷ giá từ hôm nay, Thủ tướng nước này, ông Karim Massimov cho biết tại một cuộc họp báo chính phủ. Nhu vậy, tỷ giá sẽ do thị trường quyết định, thống đốc ngân hàng trung ương Kazakhstan nói.

Ngay sau quyết định thả nổi tỷ giá của ngân hàng trung ương, đồng tenge giảm 23% xuống 256,98 tenge/USD, thấp nhất trong lịch sử.

Kazakhstan là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất Trung Á. Động thái trên của Kazakhstan được cho là nhằm hạn chế ảnh hưởng từ việc nhân dân tệ của Trung Quốc và rúp của Nga mất giá mạnh. Nga và Trung Quốc là hai đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc.

Trung Quốc phá giá nhân dân tệ đang gây sức ép với các nước đối tác thương mại phá giá nội tệ. Kazakhstan trong khi đó cũng bị ảnh hưởng tiêu cực do giá dầu thô giảm. Ngân hàng trung ương Kazakhstan đã phải dùng đến dự trữ ngoại hối để kiểm soát tỷ giá trong biên độ giao dịch cho phép.

 

Hồi đầu tháng 7, Việt Nam chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Về tổng thể, hai bên dự kiến sẽ dành cho nhau mức mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương vào khoảng trên 90% kim ngạch thương mại song phương.


Liên minh Kinh tế Á-Âu có dân số hơn 175 triệu người với tổng GDP khoảng 2.500 tỷ USD, tuy là một tổ chức kinh tế mới được thành lập nhưng có vai trò hết sức quan trọng đối với việc phát triển một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hướng tới một không gian kinh tế thống nhất.

Minh Phương
Theo Bloomberg