Theo thống kê của Dealogic, doanh thu từ hoạt động ngân hàng đầu tư ở ASEAN giảm 14% xuống 621 triệu USD tính đến giữa tháng 8, thấp nhất kể từ năm 2009. Doanh thu từ hoạt động ngân hàng đầu tư của ASEAN chỉ chiếm 7% tổng doanh thu của cả khu vực châu Á – Thái Bình Dương, so với mức 12% năm 2012.
Kinh tế tăng trưởng chậm lại khiến nhiều thương vụ IPO bị hủy, các thương vụ M&A trở nên khan hiếm hơn ở khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, nội tệ của các nước trong khu vực mất giá cũng làm giảm sự thích thú của nhà đầu tư đối với cổ phiếu và trái phiếu khu vực này.
Năm 2015 mở đầu với thương vụ quỹ đầu tư hạ tầng phát triển internet băng thông rộng Jasmine của Thái Lan huy động được 1,7 tỷ USD từ IPO hồi tháng 1. Tuy nhiên, kể từ đó, các thương vụ IPO của các công ty từ viễn thông đến bất động sản chỉ huy động được được gần 3 tỷ USD.
Nhiều thương vụ lớn bị hủy như tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi bỏ thương vụ trị giá 2 tỷ USD để mua lại công ty bất động sản United Engineers của Singapore, hay thương vụ IPO 1 tỷ USD của Universal Terminal – công ty con của PetroChina,… Kể từ đầu năm đến nay, tổng giá trị các thương vụ M&A của ASEAN chỉ đạt 44,4 tỷ USD, giảm gần 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận từ hoạt động ngân hàng đầu tư cũng bị ảnh hưởng do tiền tháo chạy khỏi các thị trường chứng khoán ASEAN trước đồn đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chuẩn bị tăng lãi suất khiến nhà đầu tư rót tiền sang các tài sản bớt rủi ro hơn.
Hơn nữa, kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể khiến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm, khi đó, các nước như Indonesia hay Malaysia khó tìm được nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán, trái phiếu. Cả 2 nước này đều phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa như dầu, khoáng sản. Trong khi đó, bất ổn chính trị ở Thái Lan cũng làm suy giảm niềm tin của nhà đầu tư.
Giới đầu tư dự đoán doanh thu từ hoạt động ngân hàng đầu tư ASEAN sẽ tiếp tục giảm. “Tôi không thấy dấu hiệu nào của một thương vụ IPO lớn từ nay cho đến cuối năm bởi thị trường hiện khá yếu”, Adrian Pop, giám đốc tại quỹ East Capital nhận định.
Phương Mai
Theo WSJ