Tính đến 16h00 tại New York, S&P 500 và Dow Jones lần lượt tăng 0,4% và 0,6%. Chỉ số Nasdaq cũng tăng 0,5%.

Trong cả tuần qua, chỉ số S&P 500 đã tăng 2,1% và Nasdaq tăng 3%. Cả hai chỉ số đều ghi nhận tuần tăng điểm mạnh nhất kể từ giữa tháng 7/2015. Trong khi đó, Dow Jones chốt tuần tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 3/2015 với mức tăng 2,1%.

Cổ phiếu của 8 trong 10 lĩnh vực chính thuộc S&P 500 đồng tăng giá. Cổ phiếu năng lượng bất ngờ giảm do giá dầu Mỹ lại giảm mạnh xuống dưới 45 USD/thùng. Trong cả tuần, cổ phiếu năng lượng đã giảm 0,7%.

Có khoảng 6 tỷ cổ phiếu được giao dịch trao tay trên các sàn chứng khoán Mỹ, thấp hơn 15% so với khối lượng giao dịch trung bình 3 tháng qua.

Giới đầu tư đang trải qua thời điểm rất khó khăn để có thể đưa ra quyết định trước những tín hiệu mâu thuẫn. Trong khi chưa nhận được tín hiệu rõ ràng về định hướng chính sách lãi suất từ Fed thì thị trường lại bị bao trùm bởi những lo ngại xung quanh triển vọng kinh tế Trung Quốc và giá dầu, theo nhận định của chiến lược gia đầu tư Joseph Tanious tại công ty Bessemer Trust.

Trong khi thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm thì cổ phiếu tại châu Âu, Nhật Bản, Hong Kong lại đồng loạt giảm nhẹ, khiến chỉ số MSCI toàn cầu đi ngang so với phiên ngày 10/9.

Cụ thể, chỉ số FTSEurofirst 300 của châu Âu giảm 0,2% trong phiên 11/9 nhưng lại tăng 1,3% trong cả tuần qua. Nikkei của Nhật Bản cũng giảm 0,2% và tăng 2,7% trong cả tuần. Ngoài ra, Hang Seng của Hong Kong giảm 0,3%.

Tuần tới, thị trường sẽ tập trung đánh giá các báo cáo kinh tế của Mỹ trước khi Fed công bố quyết sách trong ngày 17/9. 

Nguyễn Dung

Theo Bloomberg, Reuters