Đây là nhận định của Willem Buiter, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Citigroup. Cũng theo chuyên gia này, điều duy nhất có thể ngăn một cuộc suy thoái đó là khởi động một chương trình kích thích tài khóa định hướng tiêu dùng được chính phủ tài trợ và do Ngân hàng trung ương Trung Quốc điều tiết.
“Mặc dù nền kinh tế đang rất cần một gói kích thích như vậy, nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc dường như chưa sẵn sàng cho điều này. Nền kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực suy thoái”, ông Buiter nhận định. Ông cho biết thêm, tăng trưởng kinh tế hiện tại của Trung Quốc chỉ khoảng 4,5% hoặc thấp hơn.
“Họ (chính phủ Trung Quốc) sẽ hành động nhưng sẽ quá muộn để tránh một cuộc suy thoái tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu khiến tăng trưởng GDP toàn cầu dưới 2% mà theo quan điểm của tôi khi đó đã là suy thoái toàn cầu”, ông Buiter nói.
Kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng 3% trong năm nay trong khi GDP Trung Quốc dự báo tăng 6,9%, chậm nhất trong 25 năm, theo khảo sát của Bloomberg.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đang nỗ lực bảo vệ mục tiêu tăng trưởng GDP 7% trong năm nay giữa lúc nhu cầu tiêu dùng chậm lại kéo theo tâm lý hoảng loạn trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông Lý nhiều lần khẳng định sẽ tránh tung ra gói kích thích tương tự hồi khủng hoảng tài chính 2008 dẫn đến nợ chính quyền địa phương và doanh nghiệp tăng mạnh.
Nhiều chuyên gia kinh tế hiện vẫn đặt ra nghi vấn về số liệu tăng trưởng chính xác của Trung Quốc. Theo ước tính của 11 chuyên gia kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg, tăng trưởng GDP nửa đầu năm của Trung Quốc khoảng 6,3%, so với con số công bố chính thức là 7%.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc từ bùng nổ đến vỡ bong bóng khiến thị trường bốc hơi hơn 5.000 tỷ USD làm dấy lên hoài nghi về “năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của giới chức Trung Quốc, theo ông Buiter.
Minh Phương
Theo Bloomberg