Ba tháng trước khi hội nghị về khí hậu của Liên Hợp Quốc diễn ra tại Paris, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có động thái được đánh giá là quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của mình nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Kế hoạch năng lượng sạch (Clean Power Plan - CPP) công bố hôm 3/8 được chờ đợi sẽ vực dậy uy tín của ông Obama.
Trong suốt 7 năm làm tổng thống, ông Obama thường xuyên bị chỉ trích vì không làm gì nhiều để làm sạch môi trường mặc dù đó là một trong những mục tiêu quan trọng được đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông năm 2008. Ông Obama đã khiến nhiều người thất vọng khi chậm chạp trong việc xử lý cam kết quan trọng này của mình.
"Các nhà máy điện là nguồn lớn nhất gây ra ô nhiễm carbon, góp phần làm biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cho đến nay không có một giới hạn nào về lượng khí thải mà các nhà máy này có thể thải ra không khí. Hãy nghĩ về điều đó", Tổng thống Obama phát biểu.
Với quãng thời gian ít ỏi còn lại của mình, ông Obama giờ đây có vẻ như muốn đền bù bằng kế hoạch CPP. Theo đó, đến năm 2030, cả nước Mỹ phải giảm 32% lượng khí thải carbon so với mức năm 2005, cao hơn 9% so với các kế hoạch trước đó. CPP cũng đưa ra các mục tiêu giảm khí thải carbon cho các nhà máy điện và yêu cầu các bang xây dựng và nộp kế hoạch để đạt mục tiêu giảm khí thải vào năm 2022.
Một số bang đang đe dọa sẽ kiện, và gọi CPP là "cuộc chiến than" của Obama. Hiện các nhà máy nhiệt điện đốt than đang cung cấp tới 40% lượng điện tiêu thụ tại quốc gia này. CPP thực sự là một mục tiêu đầy tham vọng của chính quyền Obama.
Theo Nhà Trắng, CPP sẽ giúp tiết kiệm đủ năng lượng để cấp điện cho 30 triệu gia đình trong năm 2030, tiết kiệm cho người tiêu dùng Mỹ 155 tỷ USD trong giai đoạn 2020 - 2030. CPP cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra thêm 30% năng lượng tái tạo và giảm chi phí tái tạo năng lượng.
Obama thẳng thắn cho biết mục tiêu của ông gồm hai phần. Trước hết, Tổng thống Mỹ muốn giảm đáng kể lượng khí carbon của nước mình thải ra. Tiếp theo, ông xem CPP là một công cụ ngoại giao để đạt được một thỏa thuận toàn cầu về hành động khí hậu trong các cuộc đàm phán tại Paris cuối năm nay.
Kế hoạch đối mặt với những thách thức lớn
Kế hoạch mới của Tổng thống Obama chống lại việc khí hậu nóng lên trên toàn cầu và các nhà khoa học đứng về phía ông? Không, không hẳn thế. Những tính toán cho thấy nền kinh tế sẽ hưởng lợi từ CPP? Cũng không thực sự thế.
Đây là một số những câu hỏi và trả lời được đặt ra sau thông báo của Tổng thống Obama về CPP. Thậm chí có ý kiến cho rằng nếu kế hoạch của ông Obama được thực hiện đúng từng chi tiết thì cũng chẳng có lý do gì để cho rằng nó sẽ tạo ra nhiều điều tích cực. Nhiều nhất thì CPP sẽ giúp giảm một phần nhỏ không đáng kể của một phần nhỏ nguyên nhân của sự nóng lên toàn cầu tới cuối thế kỷ. Trong khi đó, nước có lượng khí thải carbon lớn nhất là Trung Quốc lại chẳng thực sự làm gì nhiều.
Trình bày trước một ủy ban của Quốc hội Mỹ tháng Tư vừa qua, nhà khí hậu học Judith Curry cho rằng con người không hẳn là nguyên nhân chính của sự nóng lên. Thông tin của bà Curry cho thấy tác động của khí CO2 tới khí hậu nhiều hơn người ta vẫn tưởng, dù vậy, sự nóng lên đã giảm dần trong 16 năm qua. Bà Curry thừa nhận con người đóng một vai trò trong sự ấm lên và thảm họa là một khả năng có thể. Nhưng những dự báo về nhiệt độ dựa trên các giả định cũ sẽ không trở thành sự thật, bà chỉ ra. Theo vị chuyên gia này, việc đạt tới điểm tới hạn nguy hiểm là cực kỳ khó xảy ra trong thế kỷ này.
Về các chi phí? Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho rằng họ sẽ tiết kiệm được khoảng 8,4 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030 từ những yếu tố như các khoản phúc lợi về chăm sóc sức khỏe hiện vào khoảng 54 tỷ USD. Các chi phí thường niên thực tế có thể là hơn 41 tỷ USD mỗi năm, theo các chuyên gia. Về những lợi ích từ việc giảm carbon, kỹ thuật được sử dụng để tính toán các con số cũng bị nghi ngờ. Nếu sử dụng nó để xem xét tới tất cả tác động tốt của carbon trong nền kinh tế công nghiệp, bạn sẽ thấy rằng việc giảm carbon đáng kể sẽ đưa tới những hậu quả khủng khiếp.
Nhiều thách thức đang chờ Tổng thống Obama ở mọi cấp độ, từ pháp lý tới điều hành. Những phản đối ông Obama cho rằng kế hoạch của ông sẽ khiến hàng ngàn người mất việc, đẩy giá điện tăng cao, gánh nặng sẽ đẩy về phía người tiêu dùng, kinh tế của nhiều bang nước Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại.
Ngoài ra, ông Obama cũng phải đối phó với các nhà vận động hành lang hoài nghi về biến đổi khí hậu, những người trong vài năm gần đây làm tất cả để làm giảm những hậu quả đáng sợ của biến đổi khí hậu. Sau đó là những người vận động hành lang khác tin rằng những thách thức quan trọng hơn nhiều tới từ khủng bố, nhập cư bất hợp pháp, chiến tranh sắc tộc thay vì biến đổi khí hậu.
Tuy vậy, một số doanh nghiệp như eBay, Nestle và General Mills đã ủng hộ kế hoạch năng lượng của ông Obama. 360 doanh nghiệp và nhà đầu tư đã gửi thư kêu gọi thống đốc 29 bang ủng hộ CPP, cho rằng các quy định mới sẽ tạo thêm việc làm và giúp xây dựng một nền kinh tế bền vững.
Tranh cãi xung quanh phát triển bền vững và biến đổi khí hậu chắc sẽ không kết thúc một sớm một chiều. Những ý kiến ủng hộ cho rằng Tổng thống Mỹ Obama đã đưa những bước đi đúng trong việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và cần phải thực hiện nó.
CPP sẽ phải được Quốc hội Mỹ thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.
Phương Tuyền
Tổng hợp