Năm 2010, vợ chồng chị Hương bán căn tập thể ở Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy) để tìm mua căn hộ rộng và hiện đại hơn. Khi ấy, dự án Usilk City được chủ đầu tư là Sông Đà Thăng Long quảng cáo rầm rộ, như một công trình căn hộ cao cấp sẽ làm thay bộ mặt khu vực Hà Đông với 13 tòa nhà hiện đại, mức đầu tư dự kiến khoảng nửa tỷ USD.

Mua đúng đợt sốt, vợ chồng chị Hương vội vàng chi 550 triệu đồng tiền chênh để được ký hợp đồng góp vốn mua căn hộ tại tòa CT3-107. Giá mỗi m2 vào thời điểm đó là 1.000 USD (khoảng 19 triệu đồng). 

2 tháng sau, khách hàng này ký hợp đồng mua bán, nộp 70% giá trị căn hộ. Từ đó đến nay tòa nhà vẫn ngổn ngang cọc thép. Toàn bộ số tiền bán ngôi nhà cũ, vợ chồng dồn hết vào Usilk City nên khi dự án không triển khai đồng nghĩa với việc gia đình chị chẳng có nhà để ở, nay thuê chỗ này, mai thuê chỗ khác trú chân. Cùng với đó là chặng đường đằng đẵng suốt mấy năm chạy theo chủ đầu tư để đòi nhà.   

Gia đình chị Kẹo (Hải Dương) cũng đang lâm vào tình trạng bi đát không kém. Có con trai học tập rồi công tác tại Hà Nội nên từ năm 2009, vợ chồng chị đã thu xếp tiền mua một căn hộ tại Usilk City. Chị còn rủ một người bạn thân mua cùng. Mức gia mua khi đó là 1.100 USD mỗi m2. Năm 2011, sau khi chủ đầu tư đưa ra chương trình khuyến mãi, đóng 100% tiền căn hộ sẽ được tham gia tặng sàn thương mại, chị Kẹo vay mượn thêm người thân để nộp toàn bộ số tiền còn lại. Vào thời điểm đó, kể cả tiền chênh cho môi giới (khoảng 10.000 USD) khách hàng này nộp tổng cộng 143.000 USD để mua căn hộ.

Một thời gian sau, dự án không triển khai, người bạn chị đến "bắt đền" nên chị phải vay ngân hàng hơn một tỷ đồng để mua lại căn hộ của họ (45% giá trị). Và giờ đây, chị ngày ngày lo trả nợ trong khi con trai vẫn ở nhà thuê. 

Usilk City của Sông Đà Thăng Long từng được quảng cáo rầm rộ với quy mô 2.800 căn hộ cao cấp. Dự án khởi công vào năm 2009, kế hoạch bàn giao 2012-2013 và được kỳ vọng là điểm nhấn, thay đổi bộ mặt của quận mới Hà Đông.

Tuy nhiên, ngay sau đó dự án thi công nhỏ giọt và dừng triển khai hoàn toàn từ giữa năm 2011. Khách hàng nhiều lần gây sức ép để chủ đầu tư triển khai nốt dự án nhưng do khó khăn về tài chính nên Sông Đà Thăng Long chỉ triển khai tiếp được cụm CT1 gồm 3 tòa có tỷ lệ xây dựng lớn nhất.

Trong tổng số 13 tòa nhà, mới có các căn hộ ở 3 tòa thuộc cụm CT1 được bàn giao sau khi có sự tham gia quản lý dòng tiền của khách hàng với ngân hàng là vai trò trung gian. 2 tòa khác đang xây dựng dở dang đến tầng 4, còn lại mới làm móng và bị đắp chiếu nhiều tháng nay.

Tính đến tháng 7/2012, chủ đầu tư đã thu của người mua nhà hơn 4.000 tỷ đồng. Người nộp tối thiểu vào khoảng 55% giá trị căn hộ cũng tương đương trên một tỷ đồng và có ít nhất 200 khách hàng đã nộp 100%.

"Trong 3 năm qua, kể từ giữa năm 2012, chúng tôi đã hết sức kiên nhẫn gửi đơn thư, tổ chức họp, gặp mặt với chủ đầu tư nhằm tạo điều kiện để dự án tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, chủ đầu tư không tôn trọng những cam kết, liên tục thất hứa, bất hợp tác", đại diện nhóm khách hàng mua nhà tại đây cho biết. 

Tại buổi làm việc với cư dân, ông Hứa Vĩnh Cường, Phó tổng giám đốc Sông Đà Thăng Long thừa nhận về việc dự án chậm tiến độ và xin lỗi khách hàng. Theo ông, nguyên nhân là thị trường bất động sản khủng hoảng, chủ đầu tư khó khăn, ngân hàng không cho vay vốn.

Trao đổi với VnExpress sáng 28/7, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết Sông Đà Thăng Long không phải doanh nghiệp nhà nước, công ty phải tự chịu trách nhiệm về việc làm ăn thua lỗ và thất hứa với người mua.

“Họ thu tiền của cư dân nhưng xây dựng không đúng tiến độ cam kết thì phải chịu trách nhiệm trước cơ quan luật pháp. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương – nơi cấp đất cho dự án phải có phương án để giải quyết tránh những trường hợp khiếu kiện kéo dài”, ông này cho hay.

Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long thành lập từ tháng 12/2006, là thành viên của Tổng công ty Sông Đà. Doanh nghiệp từng được biết đến với dự án Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông. Báo cáo thường niên năm 2015 cho biết công ty lỗ ròng gần 1.000 tỷ đồng. Nợ phải trả tính đến cuối năm 2014 là 6.429 tỷ đồng.

Chủ đầu tư cũng nằm trong danh sách doanh nghiệp nợ thuế lớn do Bộ Tài chính công bố gần đây. Lý giải cho tình trạng này, Sông Đà Thăng Long cho biết, thực tế từ năm 2011 đến năm 2014, công ty đã và đang gặp rất nhiều khó khăn, không có nguồn vốn để tiếp tục triển khai các dự án đã đầu tư, không thực hiện được phương án bán hàng và không có dòng tiền để hoạt động... Các dự án đầu tư thì dở dang và gặp nhiều vướng mắc, doanh nghiệp phải đối mặt với sức ép nợ vay và sức ép rất lớn từ khách hàng.

"Chính vì thế, doanh nghiệp không có được nguồn tài chính để thực hiện nghĩa vụ với Ngân sách Nhà nước, đặc biệt trong năm 2012 và các năm tiếp theo, khi thị trường lao dốc, doanh nghiệp kiệt quệ", Sông Đà Thăng Long cho biết.

Theo Ngọc Tuyên
VnExpress

Nguồn: VnExpress