Có thể nói rằng, 2 năm vừa qua là giai đoạn đáng nhớ của ngành chăn nuôi Việt Nam khi không chỉ giá thịt heo mà thị trường nông sản, các mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào cũng biến động mạnh mẽ. Tính đến hiện tại, các doanh nghiệp cũng vẫn chưa thoát khỏi áp lực chi phí đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Mặc dù đứng thứ 5 thế giới về cơ cấu sản lượng thịt heo, nhưng nước ta lại phụ thuộc tới hơn 70% nguồn nguyên nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vào nguồn cung nước ngoài. Những đợt tăng mạnh liên tiếp của giá nông sản thế giới đều ảnh hưởng trực tiếp tới cơ cấu chi phí đầu vào của các doanh nghiệp trong ngành. Kể từ cuối tháng 5 tới nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, áp lực vẫn đang hiện diện khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đều tăng so với cùng kỳ 2021.
Không những thế, trên thị trường thế giới, giá các mặt hàng nông sản cũng đang có xu hướng hồi phục trở lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 26/07, giá đậu tương Chicago tiếp nối đà hồi phục mạnh trong phiên thứ 3 liên tiếp từ mức thấp nhất trong 6 tháng qua. Khô đậu tương, 1 loại nguyên liệu quan trong trong thành phần TĂCN cũng đóng cửa và ghi nhận phiên có mức tăng mạnh nhất trong năm nay.
Hạn hán tại Mỹ đang gây ra lo ngại với mùa vụ
Theo báo cáo Tiến độ mùa vụ - Crop Progress được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) phát hành hàng tuần, chất lượng đậu tương tại Mỹ trong tuần vừa rồi đã giảm 2% xuống còn 59% diện tích đạt tốt – tuyệt vời và nằm dưới mức kỳ vọng của thị trường. Tỉ lệ ngô có chất lượng tốt – tuyệt vời của Mỹ đạt 61%, giảm 3% so với tuần trước đó. Hạn hán tiếp tục mở rộng ở một số bang trung tâm Midwest, khu vực gieo trồng chính của Mỹ.
Độ ẩm là một trong những yếu tố quan trọng nhất quyết định tới năng suất của ngô và đậu tương Mỹ vào giai đoạn tháng 7 và tháng 8. Đây cũng chính là lý do các mặt hàng nông sản thường chứng kiến hiện tượng tăng giá vào trước mùa hè, do tâm lý lo ngại của thị trường. Năm nay, lượng mưa lớn được dự báo sẽ xuất hiện trở lại trong đầu tuần này đã khiến cho giá nông sản lao dốc mạnh vào tuần trước.
Tuy nhiên, khu vực được cung cấp độ ẩm lại nằm chủ yếu ở phía nam nước Mỹ. Trong khi đó, sản lượng ngô và đậu tương lại tập trung tới 90% ở khu vực phía trung tây. Ngoài ra, theo hình ảnh dự báo mới nhất của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) trong tuần đầu tiên của tháng 8, khô hạn nghiêm trọng hơn sẽ quay trở lại ở các khu vực gieo trồng chính và đe dọa đến giai đoạn phát triển của ngô và đậu tương.
Ảnh hưởng tới nguồn cung toàn cầu
Xét về nguồn cung ngô và đậu tương thế giới, Mỹ, Brazil và Argentina đều có ảnh hưởng lớn vì cơ cấu xuất khẩu chiếm tỉ trọng cao. Tuy nhiên, nếu như 2 quốc gia khu vực Nam Mỹ đã thu hoạch với con số sản lượng đã khá rõ ràng thì đây mới đang là giai đoạn gây ra biến động nhiều nhất đối với kỳ vọng về nguồn cung từ Mỹ. Chính vì thế nên những biến động của giá nông sản phần lớn vẫn chỉ theo sát yếu tố thời tiết ở Midwest.
Trong báo cáo Cung – cầu nông sản thế giới tháng 7, USDA đã đã dự báo năng suất ngô niên vụ 2022/23 của Mỹ ở mức 177 giạ/mẫu, tương đương với niên vụ 2021/22. Sau giai đoạn nắng nóng và hạn hán nghiêm trọng vừa qua khiến chất lượng mùa vụ liên tục giảm sút, những thiệt hại đối với cây trồng sớm đã khá rõ ràng. Không những thế, chênh lệch về chất lượng tại các bang gieo trồng chính so với năm ngoái đang ngày càng lớn.
Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), với dự báo khô hạn tiếp tục kéo dài, năng suất ngô và đậu tương cuối vụ sẽ khó đạt được mức kỳ vọng. Nếu như tình hình vẫn không cải thiện, sản lượng ngô Mỹ có thể sẽ sụt giảm khoảng 5 triệu tấn. Chi phí phân bón cao đã khiến cho tổng diện tích gieo trồng năm nay thấp hơn so với năm ngoái nên triển vọng nguồn cung đang dần thắt chặt hơn.
Khánh Linh
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)