Lo ngại về nguy cơ hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng do khô hạn có thể sẽ thúc đẩy giá ngô hướng lên vùng 700
Giá ngô kết thúc tuần vừa rồi gần như chỉ đi ngang với biên độ ngày càng hẹp dần. Xu hướng sideway trong khoảng 670 – 700 đã kéo dài từ 4 tuần trước đó bất chấp mức biến động mạnh của các mặt hàng nông sản khác. Xét trong cả năm nay, vùng giá hiện tại vẫn đang là mức khá cao của ngô sau khi hồi phục mạnh trở lại từ cuối tháng 7 do hạn hán tại Mỹ. Hiện tại, nguồn cung ở nước này vẫn đang là yếu tố ảnh hưởng tới giá, tuy nhiên, sự quan tâm của thị trường một phần cũng đang chuyển sang triển vọng mùa vụ sắp tới ở Nam Mỹ.
Trong khi triển vọng ngắn hạn vẫn thiên về hướng tích cực do dự báo sản lượng năm nay tăng mạnh trong báo cáo mới nhất của CONAB. Tuy nhiên, triển vọng thời tiết dài hạn vẫn cho thấy miền Nam Brazil và Argentina vẫn khô ráo. Mô hình La Nina được dự báo sẽ diễn ra muộn hơn vào khoảng tháng 10 và đầu tháng 11, tương tự với năm ngoái. Điều này sẽ dẫn tới các tác động khác nhau, ngoài sản lượng mùa vụ mà còn có đến chi phí vận chuyển hàng hóa và hậu cần. Mực nước sông Parana đã giảm xuống mức rất thấp vào năm ngoái, buộc các con tàu phải chở tải trọng nhẹ hơn cũng như việc sử dụng phương tiện vận tải bằng xe tải tốn kém hơn. Điều này có nguy cơ có thể sẽ xảy ra một lần nữa vào năm nay nếu thời tiết khô hạn tiếp tục không cải thiện. Khoảng 80% sản lượng ngũ cốc của Argentina đi xuống sông Parana từ cảng Rosario, cảng nông nghiệp lớn thứ hai trên thế giới, sau New Orleans. Chính vì thế nên mặc dù dự báo sản lượng năm nay đạt mức cao nhưng lo ngại về việc La Nina vẫn có thể ảnh hưởng tới giai đoạn phát triển tiếp theo vẫn đang khiến giá giằng co và chưa có xu hướng rõ ràng.
Giá ngô đang mở cửa với mức tăng nhẹ trong phiên sáng nay nhờ ảnh hưởng từ diễn biến của lúa mì. Trong phiên hôm nay, giá nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì dưới mức 700.

Giá hai mặt hàng cà phê khả năng cao sẽ giằng co trong phiên hôm nay khi thông tin cơ bản và yếu tố kỹ thuật diễn biến trái chiều
Kết thúc tuần giao dịch 03/10 – 09/10, cả 2 mặt hàng cà phê đều ghi nhận 2 phiên giảm đan xen 3 phiên tăng. Tuy nhiên, giá Arabica lại ghi nhận mức giảm 1.56%, dù nguồn cung tại các quốc gia cung ứng hàng đầu như Brazil và Colombia đều điều chỉnh giảm, giá Robusta khởi sắc nhẹ với mức tăng khiêm tốn 0.09%.
Theo hãng tin Reuter, biến đổi khí hậu đang là thách thức lớn nhất đối với ngành cà phê. Biến đổi sẽ dẫn đến việc thời tiết thay đổi thất thường và trở nên khắc nghiệp hơn, từ đó gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với quá trình phát triển của cây cà phê. Khi quá trình phát triển diễn ra không thuận lợi thì cả sản lượng và chất lượng đều bị ảnh hưởng, điều này khiến cho nguồn cung cà phê trở nên thắt chặt và khó khăn trong việc đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ.
Trong tuần trước, Brazil, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới bất ngờ đón nhận một cơn mưa đá đúng thời điểm cây cà phê đang ra hoa rộ nhất. Theo ghi nhận, dưới ảnh hưởng từ trận mưa đó, hoa cà phê tại một số vùng rụng gần hết, khả năng sẽ khiến có một lượng lớn cà phê bị mất trắng. Gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung trong niên vụ tới, đặc biệt năm tới còn là năm mất mùa đối với cà phê choe chu kỳ 2 năm một lần của Brazil.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu vẫn được đánh giá với triển vọng tốt dù lạm phát xảy ra cùng với nguy cơ suy thoái kinh tế trên toàn cầu sẽ khiến việc người tiêu dùng đến các quán cà phê hay nhà hàng giảm đi, thay vào đó, nhu cầu về cà phê tại nhà lại gia tăng, giúp bù đắp lượng tiêu thụ suy yếu tại quán.

Đà tăng của giá đồng khó có thể duy trì khi sức ép từ dịch bệnh quay trở lại Trung Quốc
Thị trường đồng đang đón nhận lực mua khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng rằng quốc gia tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ trở lại công suất sản xuất tối ưu sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh kéo dài 1 tuần trước đó. Tuy nhiên, đà tăng nhiều khả năng sẽ còn gặp trở ngại trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trước thềm diễn ra Đại hội Đảng từ ngày 16/10, trong khi sức ép vĩ mô tiếp tục là một rào cản lớn.
Quốc gia này đã báo cáo 1.878 trường hợp trong Chủ nhật, mức cao nhất kể từ 20/08. Trong đó, trung tâm tài chính Thượng Hải đã công bố 34 ca nhiễm mới tại địa phương, nhiều nhất trong gần 3 tháng, khiến nhiều khu dân cư đang bị phong tỏa trở lại. Bắc Kinh, nơi tổ chức Đại hội Đảng đang trong tình trạng báo động cao sau khi số ca nhiễm tăng lên 14, nhiều nhất trong 1 tháng qua. Điều này khiến cho Chính sách Không Covid có thể sẽ được thực hiện nghiêm ngặt hơn nữa nhằm đảm bảo an toàn cho sự kiện 2 lần trong 1 thập kỷ tại Trung Quốc sắp diễn ra. Các hoạt động kinh tế và sản xuất gặp nhiều gián đoạn sẽ là yếu tố gây áp lực đến tiêu thụ các nguyên vật liệu đầu vào quan trọng cho nền kinh tế, trong đó có đồng.
Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã khởi động trở lại công cụ Cho vay lĩnh vực ưu tiên (PSL) kể từ đầu năm 2020 nhằm kích thích thông qua các bên cho vay chính sách, trong bối cảnh công cụ nới lỏng tiền tệ gặp nhiều hạn chế khi đồng nhân dân tệ trượt giá. Theo đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã bổ sung thêm 108.2 tỷ nhân dân tệ ròng (15.2 tỷ USD) trong khoản cho vay bổ sung cam kết vào tháng trước cho một số ngân hàng thương mại hàng đầu, nhằm hỗ trợ tín dụng cho các lĩnh vực mục tiêu như cơ sở hạ tầng, sản xuất và nhà ở cho người thu nhập thấp cũng như việc cung cấp các dự án bất động sản đã bán. Đây có thể là thông tin tích cực cho thị trường tiêu thụ kim loại, tuy nhiên, trong bối cảnh hạn chế về dịch bệnh đang được thắt chặt, hiệu quả của chính sách đạt được sẽ còn tương đối chậm.
Trong khi đó, yếu tố vĩ mô xoay quanh bài toán tăng lãi suất tại Mỹ vẫn là áp lực lớn cho giá đồng khi thị trường lao động tích cực tiếp tục giúp Fed có thêm không gian tăng lãi suất.

Giá dầu có thể sẽ điều chỉnh khi thông tin dịch Covid-19 của Trung Quốc quay trở lại thị trường
Giá dầu bắt đầu chịu áp lực điều chỉnh trong phiên hôm nay, sau đà tăng 5 phiên liên tiếp. Thị trường bắt đầu bước vào giai đoạn chờ đợi, trước khi một loạt báo cáo quan trọng được phát hành trong tuần này.
Không có quá nhiều các thông tin trong phiên đầu tuần. Thông tin cuối tuần Trung Quốc cấp hạn ngạch nhập khẩu dầu thô sớm cho các nhà máy lọc dầu độc lập cũng không đủ để giúp giá duy trì đà tăng sang phiên đầu tuần.
Một mặt, lo ngại về thiếu hụt nguồn cung vẫn là yếu tố lớn nhất duy trì giá trên vùng 90 USD/thùng, tuy nhiên số ca nhiễm Covid-19 gia tăng tại Trung Quốc sau kỳ nghỉ lễ trở thành thông tin tiêu cực cho thị trường trong phiên sáng. Rủi ro lớn nhất đối với nhu cầu ở thị trường hiện tại chính là nhu cầu tiêu thụ dầu tại nội địa Trung Quốc. Ngay cả trong giai đoạn cả thế giới tiêu thụ ít năng lượng do đỉnh dịch nửa đầu năm 2021, Trung Quốc vẫn ghi nhận mức tiêu thụ dầu tăng. Tuy vậy, các biện pháp phong tỏa chống dịch khắc nghiệt trong năm nay tại nước này khiến cho IEA dự báo tiêu thụ dầu Trung Quốc năm 2022 sẽ ghi nhận mức tăng trưởng âm, lần đầu tiên kể từ năm 1980. Nếu bản thân Trung Quốc không thể gia tăng sản xuất hay gia tăng giao thông, thì việc các nhà máy lọc dầu tăng năng suất sẽ chỉ khiến cho các sản phẩm lọc dầu như diesel, xăng chịu sức ép giảm trong cuối năm nay hoặc đầu năm sau.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)