Giá lúa mì có khả năng hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh thiếu hợp lí ngày hôm qua
Giá lúa mì đang hồi phục trở lại trong phiên sáng nay sau khi giá giảm mạnh một cách bất ngờ do các thông tin mới xuất hiện và số liệu tồn kho Mỹ niên vụ 2021/22 giảm mạnh vẫn đều đang tác động “bullish” đến giá. Phiên rơi mạnh này cũng khiến cho giá lúa mì giảm sâu dưới đường trung bình động MA 50.
Đây là tín hiệu khá tiêu cực đối với giới đầu tư dưới góc nhìn kĩ thuật nên có thể sẽ khiến các lệnh bán được kích hoạt, khiến cho nhịp giảm này có thể sẽ kéo dài hơn nữa trong phiên hôm nay.
Về cơ bản, nguồn cung không chỉ ở Mỹ mà còn ở các nước sản xuất chính đều đang thắt chặt là thông tin đã quá rõ ràng kể từ sau báo cáo Tồn kho hàng quý với mức tăng vọt lên trong phiên. Thông tin này một lần nữa được củng cố trong báo cáo Cung – cầu mới đây nhưng điều mà chúng ta cần quan tâm ở đây là giá lúa mì hiện tại lại giảm mạnh về mức thấp hơn cả thời điểm phát hành cả 2 báo cáo.
Thậm chí, so với 2 mặt hàng còn lại là ngô và đậu tương đang có nguồn cung nới lỏng hơn và tác động “bearish” rõ ràng hơn, giá lúa mì còn giảm mạnh hơn trong phiên hôm qua.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Khánh Linh
Giá cà phê có thể tiếp tục giảm điều chỉnh dù được các tin tức cơ bản hỗ trợ
Sắc đỏ quay trở lại thị trường cà phê, với giá Arabica đóng cửa giảm 2.1% còn 208.65 cents/pound, giá Robusta giảm 0.5% còn 2133 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ở mức 54% chiết khấu cho giá Robusta.
Trong phiên hôm qua, có nhiều tin tức mang tính bullish cho cả giá Arabica và giá Robusta nhưng cả hai mặt hàng đồng loạt giảm bởi thị trường chịu áp lực chốt lời lớn sau khi bị đầu cơ quá mạnh. Giá Arabica giảm ngay từ đầu phiên, kéo theo giá Robusta cũng giảm, bất chấp những lo ngại về nguồn cung khi mà cả số liệu xuất khẩu tháng 9 của Brazil và Việt Nam đều giảm.
Hội đồng Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafe) cho biết, xuất khẩu cà phê Brazil đạt 3.11 triệu bao, tăng 0.5% về giá trị nhưng giảm 26.5% về khối lượng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, xuất khẩu cà phê trong 3 tháng đầu niên vụ 2021/22 là tháng 7, 8, 9 đạt 8.8 triệu bao, thấp hơn 20.2% so với cùng kỳ năm trước.
Sự sụt giảm mạnh này vẫn xuất phát từ việc thiếu hụt containers và giá cước tàu biển tăng chóng mặt. Tình trạng này vẫn chưa được giải quyết, khi các cảng ở thị trường tiêu thụ chính là Châu Âu vẫn đang kẹt cứng hàng và cả trở cả hoạt động xuất khẩu lẫn nhập khẩu.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
Giá đồng có thể tiếp tục tăng nhờ lực mua kỹ thuật trong phiên hôm nay
Kết thúc phiên 13/10, giá đồng tăng mạnh 4.4% lên 4.516 USD/pound, tương đương với mức 9956 USD/tấn. Đáng chú ý, đây là mức tăng mạnh, không chỉ trong nhóm kim loại mà còn là điểm sáng của thị trường hàng hoá trong cả phiên hôm qua.
Đà tăng của giá đòng được hỗ trợ bởi cả tin tức cơ bản lẫn lực mua kỹ thuật. Nhập khẩu đồng trong tháng 9 của Trung Quốc vẫn tăng so với tháng trước, phản ánh nhu cầu tiêu thụ của kim loại này vẫn không quá bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng năng lượng, nhất là trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình vừa muốn giải quyết khủng hoảng điện trong ngắn hạn, vừa muốn duy trì phát triển các nguồn năng lượng xanh.
Trong sáng nay, Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc công bố chỉ số giá sản xuất PPI tháng 9 tăng 10.7% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức tăng được ghi nhận lớn nhất kể từ năm 1995, phản án, tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng khiến cho chi phí của các nhà máy tăng vọt. Việc chỉ số giá PPI sản xuất tăng mạnh có thể hỗ trợ giá đồng trong ngắn hạn, bởi trong bối cảnh tiền tệ trượt giá, và nhu cầu tiêu thụ cao, nắm giữ hàng hoá là một phương án tối ưu hơn cho các nhà đầu tư.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Tiên Phạm
Giá dầu nhiều khả năng sẽ tăng trở lại trong phiên hôm nay, bất chấp số liệu tồn kho
Giá dầu hôm qua giảm nhẹ do áp lực chốt lời, tuy nhiên thực chất, 2 báo cáo của OPEC và EIA đã củng cố kỳ vọng của thị trường, có thể tạo ra lực tăng nhẹ trong chiều hôm nay nếu IEA cũng cùng chung nhận định. Kết thúc phiên giao dịch hôm qua, giá WTI giảm 0.25% xuống 80.44 USD/thùng, giá Brent giảm 0.29% xuống 83.18 USD/thùng.
Sức ép kiểm soát lạm phát đang tăng dần lên cho chính quyền Tổng thống Biden. Mặc dù nước Mỹ tránh được tình trạng giá điện nhiên liệu sản xuất điện tăng vọt như châu Âu và châu Á, tuy nhiên do Mỹ luôn duy trì tình trạng nhập khẩu ròng, cho nên cũng sẽ gián tiếp chịu ảnh hưởng khi giá sản xuất hàng hoá tăng. Điều này tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức cho thị trường năng lượng nói riêng, và thị trường hàng hoá nói chung
Cần ít nhất 6 tháng để các công ty dầu tại Mỹ đào và đưa một giếng dầu mới đi vào hoạt động, trong khi theo ước tính của EIA, OPEC chỉ cần 1 tháng để đưa vài triệu thùng dầu trở lại thị trường, do đó nếu không dựa vào kho dự trữ dầu, khả năng bình ổn giá của Mỹ sẽ phụ thuộc vào kết quả đàm phán với nhóm nước Trung Đông.
Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) tổng hợp
Hồng Hoa