Số liệu bán hàng lúa mì trong báo cáo Export Sales tối nay có thể sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá
Mặc dù mở cửa trong sắc đỏ nhưng lúa mì dần đang hồi phục trở lại. Hiện tại nhu cầu lúa mì toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu tiêu cực, nhưng nguồn cung thì vẫn đang tiếp tục gây ra gia tăng lo ngại với nguy cơ lớn bị ảnh hưởng do thời tiết.
Vào 19:30 tối nay, Bộ nông nghiệp Mỹ sẽ công bố báo cáo Export Sales. Trước đó, hãng tin Reuters đã tổng hợp và đưa ra dự đoán cho những số liệu trước báo cáo này. Trong đó, mức bán hàng lúa mì của Mỹ trong tuần trước được kỳ vọng sẽ nằm trong khoảng 250,000 – 500,000 so với mức hơn 300,000 tấn của tuần trước đó. Đây sẽ là những thông tin mà thị trường cần chú ý để có thể xác định được nhu cầu rõ ràng hơn.
Mặc dù những số liệu trong báo cáo này có thể sẽ không lập tức phản ánh vào giá nhưng xu hướng biến động trong một khoảng thời gian sẽ là dấu hiệu cho những thay đổi của giá. Xuất khẩu lúa mì Mỹ trong vài tuần gần đây đang chậm hơn so với năm ngoái và nếu tình trạng này tiếp tục thì đây sẽ là yếu tố “bearish” mạnh tới giá.
Khánh Linh
 
Giá cà phê có thể tiếp tục tích luỹ đi ngang
Kết thúc phiên 14/10, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt tăng trở lại. Hợp đồng Arabica tháng 12 tăng nhẹ 0.3% lên 209.25 cents/pound, hợp đồng Robusta tháng 11 đóng cửa mà không thay đổi quá nhiều so với giá tham chiếu của phiên trước đó, hiện ở mức 2135 USD/tấn. Chênh lệch giá giữa hai Sở vẫn duy trì ổn định ở mức 54% chiết khấu cho giá Robusta.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu khiến cho khối lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 9 ở hai nước sản xuất lớn nhất là Brazil và Việt Nam đều giảm mạnh. Tình hình thiếu hụt container và giá cước vận tải leo thang được dự đoán sẽ không thể giải quyết trong ngắn hạn. Không kể đến vấn đề xuất khẩu, hoạt động tại các cảng cũng bị trì hoãn do thiếu hụt nhân công trầm trọng, từ những nhân viên dỡ hàng, đến những nhân viên lái xe vận chuyển.
Thậm chí trong tuần vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phải tổ chức hội nghị với các nhà quản lý của các cảng, công đoàn và các doanh nghiệp vận tải lớn để giải quyết vấn đề vận chuyển, lao động và kho bãi trong chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, nhằm nỗ lực ứng phó với tình trạng lạm phát leo thang do hàng hoá không lưu thông được.
Tiên Phạm
 
Giá đồng đứng trước cơ hội thách thức lại mức đỉnh cao nhất mọi thời đại
Kết thúc phiên 14/10, giá đồng trên Sở COMEX quay trở lại mức 10,000 USD/tấn bằng mức tăng gần 2.5% lên 4.63 USD/pound, tương đương với mức 10,210 USD/tấn. Đáng chú ý, đây mức đóng cửa cao nhất trong vòng 4 tháng.
Cuộc khủng hoảng năng lượng khiến cho rất nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động và làm dấy lên lại những lo ngại về nguồn cung đồng bị thắt chặt trong thời gian sắp tới. Dù nhu cầu của nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới là Trung Quốc được dự đoán sẽ không tăng trong vòng 3 tháng tới, tuy nhiên, khi các hoạt động sản xuất được khôi phục bình thường trở lại, nguồn cung sẽ bị thắt chặt lại.
Bên cạnh đó, luôn có một độ lệch giữa nguồn cung và nhu cầu, và việc điều chỉnh nguồn cung nhanh rất khó, mà phải tốn thời gian dài, đặc biệt là khi ở cả Chile và Peru đều đang diễn ra những bất ổn về chính trị giữa người dân và Chính phủ khi giới cầm quyền ủng hộ mở rộng khai thác làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân cư trú xung quanh các mỏ khai thác lớn.
Tồn kho đồng trên các Sở giao dịch lớn như LME (London), Sở Thượng Hải, và cả Sở COMEX đều đang giảm mạnh trong thời gian gần đây, cho thấy nhu cầu tiêu thụ đối với kim loại này vẫn ở mức cao, bất chấp những lo ngại về tăng trưởng kinh tế của IMF.
Tiên Phạm
 
Thị trường đối mặt với rủi ro hệ thống nếu Mỹ đánh mất tầm ảnh hưởng tới Saudi Arabia
Giá dầu tăng trở lại trong phiên hôm qua, khi cả 3 tổ chức năng lượng lớn đều đưa ra triển vọng tích cực cho thị trường. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI tăng 1.08% lên 81.31 USD/thùng, giá Brent tăng 0.99% lên 84 USD/thùng.
Đã từ lâu, Mỹ tận dụng quan hệ đối tác đặc biệt của mình để tác động đến các quyết định điều tiết thị trường dầu của Saudi Arabia, quốc gia có vai trò “lãnh đạo” đặc biệt trong khối OPEC. Mặc dù các cuộc đàm phán không phải lúc nào cũng nhanh chóng, tuy nhiên, thường thì phái Saudi Arabia cũng sẽ hợp tác ở mức nhất định, đặc biệt khi Mỹ đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới an ninh của quốc gia này: Theo ước tính, có khoảng hàng nghìn lính Mỹ làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở dầu trọng yếu và huấn luyện quân đội ở Saudi Arabia.
Tuy nhiên, bất chấp các nỗ lực bình ổn thị trường xăng dầu của Nhà Trắng gần đây, việc Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia tối qua thông báo sẽ không tăng công suất hơn mức đã định sẵn từ trước khiến cho khả năng nguồn cung dầu thế giới tăng lên trong cuối năm gần như trở về con số 0 và đẩy giá dầu lên cao. Điều này không chỉ tác động đến giá dầu trong năm nay mà sẽ tạo ra rủi ro trong dài hạn.
Hồng Hoa 

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV