Giá phân bón tăng mạnh cùng với triển vọng nguồn cung từ Ukraine mờ nhạt sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá ngô
Mở cửa phiên giao dịch ngày 16/03, giá ngô đang suy yếu nhẹ và giằng co trước sức ép từ lực bán kĩ thuật ở vùng kháng cự 760. Trong vài phiên vừa qua, ngô vẫn duy trì trong khoảng biến động đi ngang do thị trường vẫn chưa có đủ lý do và tác động để phá vỡ hỗ trợ hay kháng cự. Các thông tin cơ bản vẫn đang trái chiều nhau sẽ khiến cho xu hướng sideway hiện tại có khả năng vẫn sẽ duy trì trong phiên hôm nay.
Những tiến triển trong cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine có thể sẽ tạo áp lực lên giá ngô trong ngắn hạn nhưng ảnh hưởng từ các hoạt động chiến sự vẫn đang gây ra lo ngại về nguồn cung trong dài hạn. Hoạt động gieo trồng ngô vào vài ngày tới của nông dân Ukraine có thể sẽ bị ảnh hưởng khi các chuyến hàng hạt giống hay phân bón đã mua trước đó vẫn chưa nhập khẩu được và thậm chí còn có những ước tính cho rằng quốc gia này sẽ chỉ sản xuất được 40% sản lượng so với bình thường. Là một quốc gia có nguồn cung chiếm khoảng 15% xuất khẩu toàn cầu, mức sụt giảm trên cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể lên cán cân cung – cầu ngô thế giới.
Khánh Linh
 
Thị trường cà phê có thể kéo dài đà giảm trước triển vọng tiêu thụ kém khả quan
Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/03, thị trường cà phê đồng loạt chịu áp lực bán mạnh bởi giới đầu tư, trong đó giá hợp đồng Arabica kỳ hạn tháng 5 giảm 3.5% xuống còn 211.1 cents/pound, hợp đồng Robusta cùng kỳ hạn thấp hơn 1.6% ở mức 2081 USD/tấn.
Đối với mặt hàng Arabica, giá đã trải qua 5 phiên giảm liên tiếp do triển vọng tiêu thụ chưa có dấu hiệu hồi phục. Thị trường đang đứng trước lo ngại về giá nhiên liệu và lương thực tăng cao, do đó việc tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu như cà phê sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.
Đối với 2 quốc gia dẫn đầu trong việc xuất khẩu Arabica là Brazil và Colombia, hiện tượng thời tiết LaNiNa dự kiến sẽ kéo dài từ tháng 6 cho đến tháng 8, là giai đoạn thu hoạch cà phê niên vụ 2022/23. Thời tiết khô ráo sẽ thúc đẩy quá trình thu hoạch và hỗ trợ các quốc gia này sớm đưa nguồn cung ra thị trường. Ngoài ra, việc đồng Reals của Brazil suy yếu cũng đã khuyến khích người dân đẩy mạnh việc bán hàng niên vụ 2021/22. Trong khi đó, tồn kho cà phê Arabica trên Sở ICE vẫn tiếp tục tăng và đã đạt mức 1.06 triệu bao. Cung tăng trong khi cầu giảm là yếu tố chính lý giải cho áp lực bán mạnh lên thị trường Arabica trong thời gian vừa qua.
Hà Linh
 
Giá đồng sẽ giằng co trước khi có thông báo lãi suất của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang
Giá đồng tiếp tục giảm nhẹ trong phiên giao dịch hôm qua về 4.51 USD/pound. Triển vọng của thị trường tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp ở Trung Quốc, nhà tiêu thụ đồng số một thế giới. Tuy nhiên, có thể thấy sức bán trong phiên hôm qua đã yếu dần, chủ yếu nhờ vào những lo ngại về nguồn cung ở Peru, nhà sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới.
Liên tiếp các cuộc biểu tình tại các mỏ đồng ở Peru đã khiến cho các hoạt động sản xuất bị đình trệ. Mới đây, mỏ đồng lớn thứ hai của nước này là Cuajone đã phải tạm ngừng hoạt động vì người dân tiến hành chặn các tuyến đường chính tới các hồ chứa nước và một số nguồn cung cấp quan trọng khác. Đây là thông tin sẽ hỗ trợ giúp cho giá đồng có cơ hội hồi phục trong hôm nay, dù triển vọng tiêu thụ của thị trường vẫn kém khả quan.
Về phía tồn kho, mức dự trữ trên Sở COMEX tăng lên 71,167 tấn, trong khi khối lượng đồng ở Sở Thượng Hải giảm mạnh về 63,227 tấn. Mức tồn kho trên Sở LME giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức 77, 525 tấn.
Nền kinh tế Trung Quốc có thể chứng kiến sự suy giảm mạnh trong tháng 3, do nước này đang đối phó với đợt bùng phát dịch Covid-19 mạnh nhất kể từ năm 2020.
Tiên Phạm
 
Giá dầu WTI khó lấy lại mức 100 USD/thùng trước các tin tức tiêu cực từ Trung Quốc
Hôm qua tiếp tục là một ngày biến động mạnh của thị trường dầu, và lần đầu tiên kể từ đầu tháng 03/2022 giá đánh mất mốc 100 USD/thùng. Kết thúc phiên giao dịch, giá WTI giảm 6.38% xuống 96.44 USD/thùng, trong khi giá Brent giảm 6.54% xuống 99.91 USD/thùng.
Các thông tin về dịch Covid-19 một lần nữa lại trở thành yếu tố tác động mạnh mẽ lên thị trường dầu. Hiện tại, Trung Quốc đã phong tỏa gần 50 triệu dân, đặc biệt là các khu vực tỉnh thành phía Đông, vốn được xem là các trung tâm sản xuất, trung tâm thương mại lớn. Như vậy, hiện tại lạm phát của Trung Quốc hiện vẫn ở mức thấp chỉ khoảng 1%, tuy nhiên các lệnh phong tỏa gần như chắc chắn sẽ tạo ra tình trạng sản lượng sụt giảm, gây sức ép lên giá thành trong thời gian tới.
Ảnh hưởng có thể sẽ chưa xuất hiện ngay trong các số liệu tháng sau, tuy nhiên chắc chắn sẽ làm xấu đi triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong quý II. Nhiều phân tích chỉ ra, mục tiêu tăng trưởng GDP 5.5% trong năm 2022 của nước này sẽ ngày càng xa vời, nếu như các lệnh phong tỏa kéo dài qua ngày 20/03 như dự kiến hiện tại. Triển vọng tiêu cực của quốc gia tiêu thụ dầu số 2 thế giới chính là yếu tố tạo áp lực và khiến giá khó có thể quay trở về vùng 100 USD/thùng.
Hồng Hoa

Nguồn: Vinanet/VITIC/MXV