Nhóm đậu tương có thể hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh hôm qua
Phiên giảm hôm qua của nhóm đậu tương mặc dù tạo ra tín hiệu kỹ thuật khá tiêu cực nhưng các yếu tố cơ bản vẫn không có sự thay đổi đáng kể mà chủ yếu do áp lực bán tháo chung từ thị trường tài chính và nhóm năng lượng. Chính vì thế nên nhịp giảm này của đậu tương có thể sẽ không kéo dài.
Giá đậu tương mặc dù hồi phục khá mạnh trong phiên sáng nhưng đang đối mặt với kháng cự tâm lí mạnh ở 1400. Mặc dù trải qua phiên giảm khá mạnh nhưng giá vẫn duy trì trên đường trung bình động 9 ngày và các chỉ báo động lượng RSI, MACD vẫn hướng lên cho thấy xu hướng ngắn hạn của đậu tương vẫn đang tăng. Trong phiên hôm nay, giá có thể tiếp tục đà tăng từ phiên sáng và hướng tới quanh vùng 1400.

Giá dầu thô đang hồi phục trở lại sau phiên giảm mạnh tối qua, và tác động tích cực lên giá dầu đậu tương. Mức tồn kho thấp do hoạt động ép dầu đậu tương tại Mỹ đang bị chậm lại trong thời gian gần đây vẫn là yếu tố hỗ trợ giá mặt hàng này. Triển vọng cung cầu với dầu thực vật vẫn được duy trì khi sản lượng giảm do thiếu lao động ở Malaysia, trong khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu vẫn đang hồi phục.
Giá đang có hỗ trợ là đường trendline đi lên cùng với đường SMA 20 ngày. RSI, StochF đều đang hướng lên cho thấy mô hình “bullish”.
Giá khô đậu tương vẫn đang trong xu hướng đi ngang, lực mua vẫn kém hơn so với 2 mặt hàng cùng nhóm đậu tương.
 
Lý giải nguyên nhân giá dầu sụt giảm mạnh trong phiên hôm qua
Giá dầu đánh mất mốc 70 USD/thùng chỉ trong 1 đêm hôm qua với giá WTI giảm 7.28% xuống 66.35 USD/thùng, trong khi giá Brent giảm 6.75% xuống 68.62 USD/thùng. Hiện đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021.
Giá dầu giảm không phải do cán cân cung – cầu hiện tại, mà là do tâm lý lo ngại trước những bất ổn trong tương lai. Thực tế là hiện nay giai đoạn quý II/2021, nguồn cung đang thiếu hụt tầm 2 triệu thùng/ngày so với nhu cầu. Tuy nhiên dịch COVID-19 tăng trở lại trên thế giới gây lo ngại về khả năng phục hồi kinh tế trong năm nay. Mới đây, ngân hàng Bank of America đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Mỹ năm 2021 từ 7% xuống 6.5% khi biến thể Delta trở thành chủng COVID-19 phổ biến nhất trong các ca nhiễm mới. Trong khi đó, EU hiện đã trở thành khu vực đầu tiên trên thế giới có số ca nhiễm COVID-19 vượt mốc 50 triệu người.
Tiêu thụ dầu thô nhiều khả năng sẽ giảm khi các biện pháp phong toả thắt chặt. Tại Hàn Quốc, việc thủ đô Seoul với hơn 10 triệu dân bị đặt dưới các biện pháp hạn chế di chuyển nghiêm ngặt có thể khiến nhu cầu dầu giảm từ 150.000 – 400.000 thùng/ngày trong thời gian tới, theo ước tính của S&P Global.

Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)