Tại Hội thảo “SheTrades và UPS: Hỗ trợ doanh nghiệp Ứng dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) trong bối cảnh Covid-19” do Cục xúc tiến thương mại tổ chức gần đây, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản ký kinh tế Trung ương cho rằng, trong kết quả xuất khẩu khả quan của Việt Nam sang EU nửa đầu năm 2021 có sự góp sức quan trọng từ EVFTA. Đồng thời nhấn mạnh, chính sách EVFTA đã mang lại những tác động tích cực bước đầu, quan trọng đối với Việt Nam, đặc biệt là khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh COVID-19.
Lý giải thêm về điều này, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh, EVFTA mang lại thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam cải thiện xuất khẩu vào thị trường EU. Đặc biệt, Việt Nam là một trong hai nước ở khu vực Đông Nam Á đã thực hiện FTA với EU, nên có thêm lợi thế cạnh tranh xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn cao trong EVFTA nói riêng và ở thị trường EU nói chung buộc doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động tìm hiểu, tuân thủ một cách bài bản, thay vì chỉ tính toán lợi thế cạnh tranh về giá khi EU cắt giảm thuế nhập khẩu. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hơn đến những tiêu chuẩn về chất lượng hàng hóa, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, với mong muốn khai thác thị trường EU nhanh và bền vững hơn.
Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – EU trong 6 tháng đầu năm 2021 đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020 khi Hiệp định chưa có hiệu lực, trong đó xuất khẩu tăng 18,3% (đạt 19,4 tỷ USD) và nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng hơn 19,1% (đạt 8,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2020.
Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang EU là điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, giày dép, dệt may, rau quả, thuỷ sản, gạo, cà phê… trong khi các mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ EU là linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc các loại, hàng điện gia dụng và linh kiện, chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.
Trên thực tế, chỉ 5 tháng sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể như: (i) sản phẩm từ cao su đạt 61 triệu USD tăng 56,91%; (ii) gạo đạt 5,2 triệu USD tăng 3,73; (iii) sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt 70,5 triệu USD tăng 33,75%; (iv) rau quả đạt 63,8 triệu USD tăng 12,5%.
Nếu nhìn từ ngành hàng cụ thể, dệt may có thể là minh chứng tốt cho tác động tích cực của EVFTA. Ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, 6 tháng đầu năm, dệt may Việt Nam xuất khẩu 18,79 tỷ USD giá trị hàng hoá, tăng 21,27% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 4,23% so với cùng kỳ năm 2019. Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát mạnh, kết quả này rất khả quan và ngành dệt may Việt Nam đã có tăng trưởng bứt phá. Trong đó, thị trường EU có khởi sắc rõ rệt với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,263 tỷ USD, tăng 4,85% so với cùng kỳ năm trước. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đã tác động tích cực đến xuất khẩu của ngành sang EU. Nếu không có hiệp định này, con số xuất khẩu chỉ đạt khoảng 700-800 triệu USD.
Không chỉ tác động ngay tới kim ngạch xuất khẩu, đại diện Vitas còn cho rằng, EVFTA là động lực phát triển dài hạn cho dệt may Việt Nam. Hiệp định này tạo ra thị trường rộng mở, có tính toàn diện do đó thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước phát triển nguồn cung thiếu hụt, đáp ứng quy tắc xuất xứ 2 công đoạn. Đồng thời, thúc đẩy phát triển công nghệ về tự động hoá, quản trị số, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường may mặc toàn cầu. EVFTA còn giúp đa dạng dòng đầu tư vào ngành, từ châu Âu tới châu Á. Chính dòng đầu tư này sẽ gia tăng giá trị cho sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang EU và các thị trường khác.
Dù vậy, việc nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng hàng hoá sang thị trường EU luôn được các chuyên gia khuyến cáo.
Ông Nguyễn Anh Dương cho rằng, trước hết doanh nghiệp luôn tìm hiểu, cập nhật và đáp ứng các thay đổi trong chính sách thương mại của EU. Theo dõi xu hướng về các biện pháp phi thuế quan, đồng thời lưu ý các tiêu chuẩn riêng của nhà nhập khẩu. Cùng đó, chủ động xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực xuất khẩu, đặc biệt là khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ vào thị trường EU.