Xác định lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược xuất khẩuXuất khẩu hàng hóa duy trì tăng trưởng
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 3 (1-15/3), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 15,32 tỷ USD, tăng mạnh gần 76% so với cùng kỳ tháng trước; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 15,23 tỷ USD, tăng tương ứng 20,3%.
Nửa đầu tháng 3, cán cân thương mại ghi nhận con số xuất siêu gần 100 triệu USD.
15 ngày đầu tháng 3, kim ngạch xuất nhập khẩu trưởng mạnh so với nửa đầu tháng 2/2022
15 ngày đầu tháng 3, kim ngạch xuất nhập khẩu trưởng mạnh so với nửa đầu tháng 2/2022 do kỳ 1 tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại; máy vi tính; máy móc, thiết bị; dệt may đều có dấu hiệu phục hồi với kim ngạch tăng trưởng cao so với cùng kỳ tháng 2/2022.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 69,78 tỷ USD; cán cân thương mại cả nước nhập siêu gần 500 triệu USD.
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hướng dẫn doanh nghiệp các cơ hội của các FTA quan trọng như: EVFTA, CPTPP, RCEP…
Riêng với hoạt động xuất khẩu qua cửa khẩu, Bộ Công Thương cho biết bên cạnh các giải pháp của các cơ quan chức năng về việc tạo thuận lợi để thông quan hàng hóa, cơ quan này cũng khuyến cáo các thương lái, doanh nghiệp thực hiện mục tiêu “an toàn để xuất khẩu, xuất khẩu phải an toàn” nhằm giữ bằng được các cửa khẩu đã được mở cửa trở lại. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng tiêu chí cho hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch để đảm bảo hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch bền vững.
Đặc biệt, mới đây, trong khuôn khổ Dự án Chính sách thương mại và Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam do Chính phủ Thụy Sỹ (SwissTrade) tài trợ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) tổ chức Hội thảo “Tham vấn lấy ý kiến về ngành và lĩnh vực ưu tiên trong xây dựng Chiến lược xuất khẩu quốc gia” theo hình thức trực tuyến. Hội thảo đã thu thập ý kiến các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân về lựa chọn ngành và lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược xuất khẩu giai đoạn sắp tới.
Dự án SwissTrade do Bộ Công Thương là Cơ quan chủ quản với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC). Dự án tập trung vào việc thúc đẩy các điều kiện khung kinh tế theo định hướng thị trường, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam nâng cao thành tích xuất khẩu và năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp một cách bền vững thông qua việc cải thiện các điều kiện khung thuận lợi cho phát triển xuất nhập khẩu, tăng cường cơ chế đối thoại công - tư và phát triển hệ sinh thái năng động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu.

Nguồn: Bảo Ngọc/congthuong.vn/