Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam nhận định, xuất khẩu cà phê tháng tháng 11 và 12/2021, mỗi tháng sẽ đạt khoảng 130 nghìn tấn. Nếu vẫn giữ được giá cao như hiện nay, có thể đem về thêm 600 triệu USD trong 2 tháng cuối năm, để đưa kim ngạch cà phê cả năm lập lại ngưỡng 3 tỷ USD.
Với sự đứt gãy nguồn cung từ Việt Nam và Brazil và chi phí logistics tăng quá cao, giá cà phê thế giới được dự báo tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Ngoài ra, dịp Noel và các dịp lễ tết cuối năm ở các nuớc trên thế giới đang dến gần, đồng thời, các nhà hàng, khách sạn đuợc mở cửa trở lại giúp đẩy mạnh nhu cầu cà phê hơn.
Ðây là hai yếu tố vững chắc giúp hỗ trợ giá cà phê thế giới tăng trong thời gian tới. Mặc dù vậy, những yếu tố bất ổn do dịch COVID-19 gây ra kéo theo những cản trở trong hoạt động giao thông, mua bán cà phê nguyên liệu gặp khó khăn. Ðây cũng được xem là nhân tố tạo sức cản đối với giá cà phê trong thời gian tới.
Do giá cà phê nhiều năm liền giảm liên tục và dừng ở mức thấp, không khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư thâm canh, chăm bón. Nhiều hộ nông dân đã trồng xen sầu riêng, cây bơ và các loại cây khác vào trong vườn cà phê. Qua từ 1-2 năm, cây cà phê trở thành cây trồng phụ bị bỏ mặc bởi thu nhập từ các loại cây trồng xen canh khác cao hơn. Năm nay, khi giá cà phê nhân tăng cao, nhiều người lại mới tính đến quay lại chăm bón cho cây cà phê....
Theo ông Mai Kỳ Văn – Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê – Ca cao, tháng 10, sản lượng cà phê tỉnh Đắk Lắk năm nay được dự đoán sẽ giảm nhiều. Hiện công ty đang quản lý khoảng 500 ha cà phê, tuy nhiên, sản lượng cà phê chỉ đạt khoảng 700 tấn, tính ra năng suất bình quân chỉ khoảng 1,4 tấn/ha, giảm mạnh so với các niên vụ cà phê trước.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào thu hoạch rộ cà phê, nhưng lại phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công thu hoạch do dịch COVID-19. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, niên vụ 2021-2022, tỉnh Đắk Nông có hơn 130.000 ha cà phê và cần khoảng 13 triệu công lao động phục vụ thu hái.
Tuy nhiên, lực lượng lao động tại chỗ chỉ đáp ứng được khoảng 50%. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lao động từ ngoài tỉnh không vào địa bàn thu, hái cà phê như những năm trước, do đó, nguy cơ khan hiếm nhân công là rất lớn.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 210.000 ha cà phê. Qua theo dõi, vào mùa vụ thu hoạch cà phê, tỉnh cần hàng triệu công lao động. Những năm trước, nhân lực của tỉnh chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu lao động thu hái cà phê, còn lại phải huy động từ các tỉnh khác. Với tình hình dịch như hiện nay, việc huy động lao động từ các địa phương khác sẽ rất khó khăn. Các tỉnh đã phải xây dựng phương án huy động nhân lực, tổ chức thu hoạch cà phê phù hợp với diễn biến dịch 4 cấp độ dịch COVID-19.
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 10 tháng năm 2021 đạt 1.286 tấn, trị giá 2,45 tỷ USD, giảm 4,2% về lượng và tăng 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Riêng xuất khẩu cà phê sang EU chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt khoảng 769 triệu USD, chiếm 31,4% tổng lượng xuất khẩu, giảm 17% so với cùng kỳ. Thị trường ASEAN xuất khẩu lũy kế đạt 259 triệu USD, chiếm tỷ trọng 10,6%, giảm 19,45% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường lớn nhất là Đức, Hoa Kỳ, Italy đều giảm.
Cụ thể, xuất khẩu sang Đức đạt 319 triệu USD, chiếm 13% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam, giảm 1,52% so với cùng kỳ. Tiếp đến là Hoa kỳ đạt 189 triệu USD, chiếm 7,7% tổng lượng xuất khẩu, giảm 20% so với cùng kỳ. Xuất khẩu sang Italy đạt 172 triệu USD, chiếm 7% tổng lượng xuất khẩu, giảm 2,53% so với cùng kỳ.
Bích Hồng (TTXVN)