Việt Nam và Pháp có nhiều điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ; hiện Pháp là cường quốc tại châu Âu, có lợi ích và ảnh hưởng quan trọng ở châu Á; trong khi đó Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh, năng động và giữ vai trò quan trọng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực.
Về thương mại, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại châu Âu và là thị trường chiếm tỷ trọng lớn trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và châu Âu; ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 22 của Pháp trên thế giới và là đối tác lớn thứ 4 của Pháp tại khu vực châu Á (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản). Đáng chú ý, kể từ sau khi Hiệp định định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực vào năm 2020, mối quan hệ thương mại giữa hai nước ngày càng phát triển, tạo đà cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường lớn này. EVFTA góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, rất nhiều mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, nông thủy sản ... đã và đang tận dụng có hiệu quả các lợi thế của Hiệp định này trên thị trường Pháp.
Về đầu tư, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến tháng 7/2024, Pháp có 690 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 3,93 tỷ USD. Hợp tác kinh tế - đầu tư – thương mại luôn một trong những trụ cột trong quan hệ hai nước. Pháp là nhà đầu tư lớn thứ hai của EU tại Việt Nam, cũng là một trong số ít quốc gia thiết lập cơ chế đặc biệt để thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ của Pháp tại Việt Nam là Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
Tốp 10 nguồn cung hàng hóa lớn nhất của Pháp trong 5 tháng đầu năm 2024
ĐVT: %
Nguồn: Tính toán từ số liệu ITC
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong năm 2023, tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Pháp đạt 4,80 tỷ USD, giảm 9,99% so với năm 2022; trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,17 tỷ USD, giảm 14,42% so với năm 2022; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,64 tỷ USD, tăng nhẹ 0,02%.
Trong giai đoạn 2019 – 2023, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Pháp có nhiều biến động. Năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều giảm đáng kể so với các năm trước đó, tuy nhiên những tác động từ Hiệp định EVFTA đã góp phần tạo cơ hội giúp trao đổi thương mại giữa hai nước dần phục hồi và có những tín hiệu khả quan. Đến năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều bật tăng so với năm trước đó, đạt 5,34 tỷ USD, tăng 10,98%. Hiện nay, quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp đang phát triển theo hướng có lợi cho Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới nhờ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phù hợp với phân khúc thị trường tầm trung và thấp tại Pháp.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam – Pháp trong giai đoạn 2019 – 2023 và tốc độ tăng trưởng so với năm liền trước
ĐVT: Triệu USD
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp trong giai đoạn 2013 – 2023
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Riêng trong lĩnh vực xuất khẩu, 2018 là năm ghi nhận kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Pháp cao nhất trong giai đoạn 10 năm, đạt trị giá 3,76 tỷ USD, tăng 12,34% so với năm 2017; trong khi đó năm 2013 là năm có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất, đạt trị giá 2,20 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 4,10%. Trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Pháp không có nhiều biến động, chủ yếu ghi nhận xu hướng tăng đều đặn qua các năm, riêng giai đoạn 2019 – 2021 do ảnh hưởng từ dịch bệnh và tình hình quốc tế, xuất khẩu hàng hóa sang thị trường này giảm đáng kể so với năm trước.
Trong những năm qua, Pháp - cũng như một số nước tại EU, đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Điều này cũng tạo cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận và hiện diện nhiều hơn tại thị trường này. Những ưu đãi về thuế quan từ EVFTA mang lại đã và đang tạo ra lợi thế tốt cho hàng Việt xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản – một lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam.
Tỷ trọng các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Pháp trong 7 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: %)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Pháp đạt 351,48 triệu USD, tăng đáng kể 26% so với tháng trước đó và tăng 17,84% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Pháp đạt 1,93 tỷ USD, tăng 3,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ba mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch cao nhất là Điện thoại các loại và linh kiện (chiếm tỷ trọng 18,93%); Giày dép các loại (chiếm tỷ trọng 16,52%) và Hàng dệt, may (chiếm tỷ trọng 13,34%).
Đáng chú ý, nhờ sự hỗ trợ của các cam kết trong EVFTA, gạo Việt Nam đã chính thức được đưa lên kệ hàng trên hai chuỗi đại siêu thị lớn nhất Pháp là Carrefour và E.Leclerc. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam thành công đưa gạo thương hiệu Việt tiếp cận tới phân khúc bán lẻ lớn nhất tại châu Âu, qua đó tiếp cận tới đông đảo người tiêu dùng Pháp. Thương vụ Việt Nam tại Pháp sẽ tiếp tục khai thác những cơ hội mà hiệp định EVFTA mang lại để có thể hỗ trợ nhiều mặt hàng khác của Việt Nam tiếp cận tới phân khúc bán lẻ tại Pháp.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Pháp trong tháng 7/2024 và 7 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Về nhập khẩu, trong tháng 7/2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Pháp đạt 157,86 triệu USD, tăng nhẹ 1,97% so với tháng trước đó và tăng đáng kể 20,14% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Tính chung trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này đạt 1,04 tỷ USD, tăng 12,66% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ba mặt hàng nhập khẩu có kim ngạch cao nhất là Dược phẩm (chiếm tỷ trọng 31,42%); Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (chiếm tỷ trọng 11,46%) và Phương tiện vận tải khác và phụ tùng (chiếm tỷ trọng 8,82%).
Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng của Việt Nam từ Pháp trong tháng 7/2024 và 7 tháng đầu năm 2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)
Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong thời gian qua, công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Pháp tiếp tục được các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp chú trọng. Trong tuần cuối tháng 4/2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Cơ quan hỗ trợ kinh doanh Pháp (Business France) đã tổ chức Lễ kí kết Biên bản ghi nhớ giữa Cục XTTM (Vietrade) và Cơ quan hỗ trợ kinh doanh Pháp (Business France) và chương trình tọa đàm giới thiệu, quảng bá môi trường đầu tư của hai nước.
Theo Cục Xúc tiến Thương mại, việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Xúc tiến thương mại và Business France sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại song phương cũng như trong khuôn khổ đa phương giữa hai khối ASEAN và EU, mang lại lợi ích to lớn cho Việt Nam và Pháp. Những thuận lợi và cơ hội đang mở ra trong quan hệ hai nước sẽ là nền tảng rất quan trọng, tạo thêm động lực và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong tương lai.
Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Đại sứ quán và các cơ quan chức năng của Pháp để làm cầu nối, hỗ trợ hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp 2 nước triển khai các hoạt động hợp tác trong tương lai. Đồng thời cam kết luôn chia sẻ, đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật để giúp các doanh nghiệp Pháp đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bền vững tại Việt Nam. Ngược lại, Việt Nam mong muốn các cơ quan chức năng của Pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình nghiên cứu thị trường và kết nối giao thương với doanh nghiệp Pháp.
Về phía Pháp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pháp tại Việt Nam chia sẻ, Lễ ký kết là sự kiện rất mong chờ đối với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với vị thế địa chính trị ở khu vực và trên thế giới, Việt Nam và Pháp còn nhiều dư địa để gia tăng thương mại song phương và tiềm năng đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng chiến lược vào thị trường lẫn nhau. Nền tảng mối quan hệ chính trị và ngoại giao bền vững giữa hai nước cùng với sự phát triển mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế là tiền đề góp phần xây dựng quan hệ đối tác Việt Nam - Pháp trong nhiều lĩnh vực.
Kinh tế Pháp trong năm 2024 đang trong xu hướng hồi phục trở lại. Theo số liệu từ Trading Economics, GDP của Pháp trong quý II/2024 tăng 0,3% so với quý trước, đây là mức tăng trưởng theo quý mạnh nhất kể từ quý II/2023. Tỷ lệ lạm phát hàng năm tại Pháp tăng nhẹ lên 2,3% vào tháng 7/2024, từ mức 2,2% của tháng liền trước và thấp hơn ước tính của thị trường là 2,4%.
Đầu năm 2024, Chính phủ Pháp thông báo cắt giảm 10 tỷ euro ngân sách, biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới nhằm mục tiêu kiềm chế thâm hụt ngân sách. Đây được xem là bước đi cần thiết để Pháp hiện thực hóa mục tiêu cân bằng ngân sách, ổn định nền kinh tế. Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Pháp không được như kỳ vọng. Trong năm 2024, việc cân bằng ngân sách được xem là thách thức chung với nhiều nước trong khu vực EU, trong đó có Pháp, với mong muốn sớm ổn định nền tài chính công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Với vị thế địa chính trị ở khu vực và trên thế giới, Việt Nam và Pháp còn rất nhiều dư địa để để gia tăng thương mại song phương và tiềm năng đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng chiến lược vào thị trường lẫn nhau.