Trong những năm gần đây, Pháp luôn là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam trong khối Liên minh EU.
Điện thoại các loại và linh kiện vẫn là nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường pháp trong tháng đầu năm 2022, đạt 64,5 triệu USD, chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp theo là mặt hàng giày dép các loại, đạt 53,1 triệu USD, tăng 8,4% so với tháng trước đó và tăng 24,6% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 15,7% tỷ trọng xuất khẩu.
Tiếp đến là hàng dệt may, đạt 49,6 triệu USD, chiếm 14,6% tỷ trọng xuất khẩu.
Trong tháng 1 năm 2022, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với tháng trước đó: Xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 38,7%; túi xách, ví, vali, mũ và ô dù tăng 41,7%; cà phê tăng 74,5%; gạo tăng hơn 4 lần.
Tại Pháp, sau nhiều nỗ lực, hàng Việt Nam đã xuất hiện trong một số hệ thống siêu thị lớn và ngày một đa dạng. Đây là năm thứ hai, các sản phẩm lương thực của Việt Nam đã vượt qua được hàng rào tiêu chuẩn nghiêm khắc của Pháp và xuất hiện một cách đa dạng tại nhiều hệ thống siêu thị lớn của Pháp như Carrefour, Leclerc, Super U.
Dù năm 2020 và 2021, dịch COVID-19 đã ảnh hướng khá lớn đến việc xuất khẩu nhưng chỉ tính riêng năm 2020, lượng hàng nhập cho các siêu thị của Pháp đã tăng gần 26%.
Năm 2022, đưa gạo Việt Nam vào hệ thống siêu thị Pháp là một trong những mục tiêu của nhà nhập khẩu T&T Foods và Carrefour.
Để đưa những sản phẩm của Việt Nam đến được châu Âu cũng như trong những hệ thống siêu thị như là một con đường gian nan. Tuy nhiên, hiện dòng chữ Việt Nam đã xuất hiện trong các siêu thị nghĩa là cánh cửa đã mở, còn tiếp tục mở rộng như thế nào chắc chắn là một con đường với nhiều thử thách đang ở phía trước.
Số liệu xuất khẩu sang Pháp tháng 1 năm 2022
(Tính toán số liệu công bố ngày 13/2 của TCHQ)