Theo kết quả khảo sát từ cuộc điều tra Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) năm 2017 cho thấy, người tiêu dùng có tâm lý e dè hàng Trung Quốc nhưng lại chuộng hàng Thái. Doanh nghiệp Thái đã nhanh chóng nắm thời cơ, thay thế “chỗ trống” hàng Trung Quốc.
Theo đó, kết quả Hội Doanh nghiệp HVNCLC tìm ra 592 doanh nghiệp đủ điều kiện đạt nhãn hiệu chứng nhận HVNCLC năm nay. Đặc biệt, từ quy mô 16.000 phiếu thông tin mới và phong phú, sát thực về thị trường, cần thiết cho kinh doanh của DN cũng như các cơ quan quản lý.
Két quả khảo sát cho thấy sản phẩm hàng Việt vẫn chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ đa số người tiêu dùng yêu thích và thường mua nhưng tỉ lệ người tiêu dùng yêu thích sản phẩm ngoại có xu hướng tăng. Đây là dầu hiệu đáng lo ngại đối với DN trong nước khi trong tương lai gần, tỉ lệ mua sắm sẽ có sự dịch chuyển sang các sản phẩm ngoại nhập….
Đặc biệt, người tiêu dùng có tâm lý ngày càng e dè, thậm chí tẩy chay hàng Trung Quốc nhất là ở một số sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, may mặc, nông sản tươi… Trong khi đó, hàng Thái Lan đã nhanh chóng nắm thời cơ thuận lợi này và đang nỗ lực thay thế chỗ trống, doanh nghiệp Thái cũng tăng cường tiếp cận thị trường và tổ chức nhiều loại hình tiếp thị sản phẩm nhắm vào tâm lý tiêu dùng “sính” ngoại của người tiêu dùng Việt.
Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, tháng đầu năm 2017 Việt Nam đã nhập khẩu từ Thái Lan 591,8 triệu USD, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước, giảm 1,1%. Việt Nam chủ yếu nhập khẩu các mặt hàng như ô tô nguyên chiếc, hàng rau quả, sắt thép, kim loại, vải….

Đáng chú ý, nhập khẩu từ Thái Lan tháng đầu năm nay tăng mạnh nhất là mặt hàng sắt thép các loại, tăng 206,32% tuy kim ngạch chỉ đạt 10,9 triệu USD, bên cạnh đó nhập khẩu vải và kim loại thường cũng có tốc độ tăng trưởng khá, tăng lần lượt 190,7% và 134,2%. Ngược lại, nhập khẩu nguyên phụ liệu dược phẩm lại giảm mạnh, giảm 95,99%, tương ứng với kim ngạch 87 nghìn USD….

Hiện nay, người tiêu dùng Việt đã không còn cần phải chờ tới các kỳ hội chợ xúc tiến thương mại mới mua được hàng Thái Lan. Giờ đây, hàng Thái có mặt khắp các ngóc ngách, từ các siêu thị, đại lý, cửa hàng chuyên bán đồ Thái Lan đến các sạp hàng trong các khu chợ dân sinh, cửa hàng trực tuyến… Với sự đa dạng về chủng loại và mẫu mã, các sản phẩm như: đồ gia dụng, thời trang, điện tử hay thực phẩm đã qua chế biến của Thái được người tiêu dùng đặc biệt ưu chuộng.
Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, Vũ Vinh Phú cho biết, nhiều doanh nghiệp bán hàng Thái Lan tung chiêu khuyến mãi kích cầu, giảm giá sản phẩm… để chiếm lĩnh vực thị trường nội địa. Trong đó, 5 dòng sản phẩm thế mạnh của ThiaisLan bao gồm: hàng dụng cụ gia đình (đồ nhôm, đồ nhựa…); hàng mỹ phẩm, tạp phẩm (xà phòng, kem đánh răng, sữa rửa mặt, nước gội đầu, sữa tắm, nước rửa bát…); hàng phụ tùng xe máy; thực phẩm công nghiệp được chế biến sẵn (mì tôm, nước tương, nước mắm….). Các doanh nghiệp Thái không những đầu tư mạnh vào hệ thống phân phối mà còn đầu tư cả sản xuất, để không bị hàng Thái lấn lướt điều mấu chốt doanh nghiệp Việt cần phải làm là từng bước tổ chức lại sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ, có cơ chế chính sách rõ ràng, hiệu quả, tổ chức tốt hệ thống phân phối và cùng nhau liên kết tạo sức mạnh trước ngưỡng cửa hội nhập. Nếu không chịu thay đổi mẫu mã, sản xuất phân phối rời rạc, doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khó vươn lên để cạnh tranh và giày lại niềm tin của người dùng.
Nguồn: VITIC/Kinh doanh và tiếp thị

Nguồn: Vinanet