Đây được coi là kết quả khá tích cực trong bối cảnh kinh tế Anh trong năm 2023 ước tính chỉ tăng 0,1%, đánh dấu tốc độ tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009 đến nay. Riêng trong quý 4/2023, GDP của Anh ước giảm 0,3% sau khi đã giảm 0,1% trong quý trước đó, đưa kinh tế Anh chính thức rơi vào suy thoái. Trong bối cảnh này, tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh từ các thị trường thế giới trong năm 2023 chỉ đạt 636,75 tỷ bảng Anh, giảm 4,52% so với năm 2022.

Hình 1: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh trong giai đoạn2013 – 2023 - Nguồn: Tổng cục Hải quan

Bước sang năm 2024, hoạt động xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường Vương quốc Anh tiếp tục ghi nhận tín hiệu khả quan. Trong tháng 1/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 780,495 triệu USD, tăng 43,9% so với tháng trước. Trong đó, mặt hàng Điện thoại các loại và linh kiện giữ tỷ trọng cao nhất, chiếm 28,8% trong tổng số các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Anh.

Biểu đồ 1: Nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang thị trường Anh trong tháng 01/2024  Nguồn: Tổng cục Hải quan
Tuy nhiên, việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, từ ngày 01/01/2023, Vương quốc Anh áp dụng bắt buộc nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn riêng, gọi là nhãn hiệu UKCA cho hầu hết các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu vào Anh, thay thế cho nhãn hiệu CE, vốn được dùng chung trên cả thị trường EU trước đây mà doanh nghiệp Việt Nam đã quen thuộc trong thực hiện. Nhãn hiệu UKCA liên quan đến 4 đối tượng: Nhà sản xuất, nhà tiếp thị sản phẩm, nhà nhập khẩu và nhà phân phối. Với quy định này, nếu sản phẩm xuất khẩu Việt Nam không được chứng nhận hợp chuẩn UKCA thì sẽ bị các nhà tiếp thị sản phẩm, nhà nhập khẩu và nhà phân phối của Anh từ chối tiếp nhận.
Ngoài ra, từ ngày 31/5/2023, Hiệp định thương mại của Vương quốc Anh với Úc và New Zealand chính thức có hiệu lực, hàng hóa xuất nhập sẽ được ưu đãi hoặc miễn thuế quan. Bên cạnh đó, Vương Quốc Anh cũng công bố Chương trình Thương mại với Các nước đang Phát triển (DCTS) thay thế Chương trình Ưu đãi Tổng quát (GSP) từ ngày 19/6/2023. DCTS là một trong những chương trình ưu đãi rộng mở nhất trên thế giới, cung cấp thương mại miễn thuế, không hạn ngạch cho các nước kém phát triển trên mọi mặt hàng trừ vũ khí. Do đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh dự kiến sẽ đối mặt với sức ép cạnh tranh lớn hơn.
Bảng 1: Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng lớn của Việt Nam sang Vương quốc Anh trong tháng 01/2024
(ĐVT: Nghìn USD/phần trăm)

Nguồn: Tổng cục Hải quan
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị toàn cầu có nhiều biến động khó lường, trong khi đó hàng Việt Nam lại gặp khó khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn trên thế giới, các cơ quan quản lý đã đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến thương mại vào thị trường Anh.
Trong năm 2023, với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Anh, 5 doanh nghiệp Việt Nam đã tham dự Hội chợ thực phẩm đặc sản cao cấp Specialty and Fine Food Fair 2023, diễn ra tại Trung tâm triển lãm Olympia ở London. Tại đây, các doanh nghiệp đã giới thiệu về các sản phẩm thực phẩm và đồ uống đặc sản, từng bước tiếp cận với người tiêu dùng tại thị trường tiềm năng này.
Nhằm mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác, tiếp cận thị trường và tìm kiếm thêm nhiều đối tác mới tại Anh, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Anh tổ chức nhiều đoàn giao dịch thương mại tham dự Hội chợ và các hoạt động bên lề khác. Những năm gần đây, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác truyền thông thông qua việc phối hợp với các bên phát hành nhiều sản phẩm giới thiệu, quảng bá về các ngành hàng trọng điểm, điển hình như tiêu, dừa … Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng, người tiêu dùng tại thị trường Anh nói riêng và nhiều thị trường khác nói chung đã hiểu biết thêm về những sản phẩm chất lượng, có tính cạnh tranh cao của Việt Nam.
Đối với việc khai thác có hiệu quả Hiệp định UKVFTA, Thương vụ Việt Nam tại Anh đã và đang đẩy mạnh xây dựng các mạng lưới liên kết, hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Anh với các doanh nghiệp Việt Nam tại đây. Đồng thời, chú trọng hơn vào cung cấp thông tin về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, các quy định nhập khẩu vào Vương quốc Anh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện Vương quốc Anh luôn đứng trong danh sách 5 thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, với mức độ cam kết hấp dẫn, cùng với FTA song phương sẽ tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam được tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu hàng năm lên đến 900 tỷ bảng Anh. Ngày 16/7/2023, Vương quốc Anh đã chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP). Vương quốc Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên và là thành viên mới đầu tiên kể từ khi CPTPP được thành lập. Với việc Vương quốc Anh tham gia làm thành viên, CPTPP sẽ có tổng GDP trị giá 12.000 tỷ bảng Anh và chiếm 15% tổng GDP toàn cầu. Cùng với UKVFTA, đây sẽ động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và Vương quốc Anh tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Nguồn: VITIC Tổng hợp