Sáng nay (12/6), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội sau phiên đăng đàn chiều qua.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh, tỉnh Quảng Nam về chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc ngày càng lớn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, việc chênh lệch về số liệu thống kê giữa các nước tồn tại ở nhiều quốc gia, không riêng gì Việt Nam - Trung Quốc. Kim ngạch càng lớn thì chênh lệch càng nhiều. 

Mặc dù khẳng định số liệu thống kê từ Hải quan Việt Nam là số liệu chính thức nhưng Bộ trưởng cũng thừa nhận "chắc chắn là có buôn lậu và có kinh tế ngầm". Để đánh giá về mức độ gây hại đến nền kinh tế, Bộ trưởng nói chưa có cơ sở, trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý thị trường, biện pháp khắc phục là làm trong sạch đội ngũ.

Trả lời câu hỏi của Đại biểu về tình trạng ùn ứ nông sản, cụ thể là dưa hấu tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói dưa hấu được trồng ở nhiều nơi (miền trung và miền nam), nhưng khi xuất khẩu thì phải chuyển qua Trung Quốc và lại qua cửa khẩu Tân Thanh. Lượng lưu thông lớn mà cơ sở hạ tầng hạn chế, cơ sở tập kết và lưu giữ xe tải cả 2 phía Việt Nam và Trung Quốc có ngày lên tới 1.000 xe/ngày, trong khi trung bình đáp ứng được ở mức 350 xe/ngày, dẫn đến ách tắc tạm thời.

Do đó, Bộ Công thương đã bàn với Bộ Nông nghiệp phối hợp tỉnh Lạng Sơn kiến nghị xây dựng khu trung chyển đủ sức chứa khoảng 1.000 xe tải/ngày để vừa chờ tập kết, vừa phân loại hàng hóa trong khi chờ thông quan. Hiện, tỉnh Lạng Sơn đang khẩn trương triển khai dự án này, cách cửa khẩu Tân Thanh khoảng 10km. "Dự án đòi kinh phí vốn tương đối lớn, tôi sẽ báo cáo Chính phủ hỗ trợ", Bộ trưởng nói.

Ngoài 2 biện pháp trên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng còn đề xuất 2 phương án khác là thực hiện thỏa thuận với Trung Quốc, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản thị trường này, yêu cầu phía Trung Quốc có biện pháp tăng cường hỗ trợ; thông tin đến với người dân để tránh việc tập trung thu hoạch, vận chuyển trong 1 thời gian ngắn, điều hành lưu thông phù hợp hơn.

Về công tác quản lý giá sữa, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, tỉnh Bình Phước cho rằng giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi hiện đang quá cao so với giá sữa cùng loại ở Đông Nam Á. Vậy, giải pháp mà Bộ Công thương đưa ra là gì?

Thừa nhận điều này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng Nhà nước đóng vai trò quản lý nhưng giá sữa chưa đạt mong muốn. Theo Bộ trưởng, cần tăng cường sản xuất trong nước, ví dụ một số mô hình sản xuất sữa thành công như Vinamilk, TH True Milk gắn chăn nuôi với chế biến; cần kiểm tra kiểm soát, xử lý vi phạm, không hạn chế nhập khẩu nhưng dùng biện pháp phi thuế quan để kiểm soát; phối hợp Bộ Tài chính và ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, thanh tra để cơ sở kinh doanh sữa thực hiện đúng.

Khổng Chiêm