Cụ thể, trong nửa đầu tháng 9, Việt Nam chi 42,04 triệu USD nhập 203.964 tấn ngô. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/9, Việt Nam chi khoảng 1 tỷ USD nhập 4,46 triệu tấn ngô. 

Về mặt hàng đậu tương, nửa đầu tháng 9, Việt Nam chi 4,97 triệu USD nhập 10.408 tấn đậu tương. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/9, Việt Nam chi khoảng 533,35 triệu USD nhập 1,18 triệu tấn. 

Về thức ăn gia súc, Việt Nam chi khoảng 172,02 triệu USD nhập trong nửa đầu tháng 9. Lũy kế đến ngày 15/9, Việt Nam chi khoảng 2,41 tỷ USD nhập thức ăn gia súc.

Cộng dồn chi phí Việt Nam nhập thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu gồm ngô, đậu tương... khoảng 3,96 tỷ USD.

Ở chiều ngược lại, trong nửa đầu tháng 9, Việt Nam xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu khoảng 22,27 triệu USD. Tính từ đầu năm đến ngày 15/9, Việt Nam xuất khẩu thức ăn chăn nuôi ước đạt 354,91 triệu USD. 

Như vậy, qua số liệu có thể thấy mặc dù là một nước nông nghiệp nhưng Việt Nam đang phụ thuộc rất nhiều vào thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.

Tại diễn đàn tăng cường tính cạnh tranh trong thị trường lúa gạo và chăn nuôi Việt Nam tổ chức hồi đầu tháng 9, ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho hay nguyên nhân việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi gia súc nhiều là do sản xuất trong nước không đáp ứng kịp. 

 “Hai mặt hàng nông nghiệp trong nước sản xuất được là đậu nành và bắp nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu và khả năng mở rộng diện tích, tăng sản lượng là rất khó nên Việt Nam phải phụ thuộc vào nhập khẩu là điều không thể tránh khỏi,” ông Lịch nói.

Kiều Linh